Ký sinh trùng gây bệnh sốt rét ở châu Phi ngày càng kháng thuốc
Cập nhật lúc 08:57, Thứ hai, 18/11/2024 (GMT+7)
Hiện tượng kháng thuốc ngày càng phổ biến ở trẻ em bị sốt rét tại khu vực châu Phi cận Sahara, gia tăng lo ngại về nỗ lực kiểm soát bệnh này.
|
|
Trẻ em ngủ trong mùng ở Mukuli, Kenya - Ảnh: AFP |
Nhóm chuyên gia từ Đại học Indiana (IU), tại bang cùng tên ở Hoa Kỳ, công bố nghiên cứu cho thấy, khoảng 10% trẻ em mắc bệnh sốt rét nặng ở vùng châu Phi cận Sahara có dấu hiệu kháng thuốc artemisinin, thậm chí có trường hợp tái phát trong thời gian ngắn, theo báo The Guardian đưa tin ngày 15/11.
Nghiên cứu vừa được trình bày tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Hoa Kỳ (ASTMH), diễn ra tại New Orleans từ ngày 13/11 đến 17/11, đồng thời được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (AMA). Tiến sĩ Chandy John, giảng viên thuộc IU và là tác giả chính của báo cáo, cho biết: “Đây là nghiên cứu đầu tiên từ châu Phi cho thấy trẻ em mắc bệnh sốt rét gặp phải tình trạng kháng thuốc artemisinin”.
Tiến sĩ John chia sẻ, nghiên cứu này được đề xuất sau khi nhóm của ông nhận thấy bệnh nhi sốt rét phản ứng chậm với thuốc điều trị. Nhóm phát hiện ra rằng có 11 trong số 100 trẻ em được theo dõi cho thấy hiện tượng kháng thuốc artemisinin. Có 10 đứa trẻ khác đã khỏi bệnh thì lại bị tái phát cùng một loại bệnh sốt rét trong vòng một tháng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, phương pháp điều trị sốt rét vốn được xem là “chuẩn vàng”, kết hợp thuốc artemisinin với thuốc lumefantrine, không còn hiệu quả như mong đợi. Tất cả các trường hợp kháng thuốc hoặc tái phát trong thời gian ngắn đều bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét mang đột biến gen, giúp chúng chống chịu tốt hơn trước các phương pháp điều trị sốt rét truyền thống.
Tiến sĩ John cho biết, hiện tượng kháng thuốc xảy ra khi các tác nhân gây bệnh như ký sinh trùng, vi khuẩn và nấm phát triển khả năng trốn tránh các loại thuốc được sử dụng để chống lại chúng. Đây là mối quan tâm ngày càng tăng trên toàn cầu, được dự báo sẽ khiến hơn 39 triệu người thiệt mạng vào năm 2050.
Tiến sĩ Alena Pance - giảng viên cao cấp về di truyền học tại Đại học Hertfordshire ở Anh - nhận định rằng hiện tượng ký sinh trùng tăng khả năng kháng thuốc rất đáng lo ngại, trong khi tỉ lệ lây bệnh cao ở châu Phi làm tăng nguy cơ ký sinh trùng sốt rét đột biến gen lây lan nhanh chóng trên toàn lục địa.
Theo phụ nữ TPHCM