1. Lạc nội mạc tử cung là gì?
Nội mạc tử cung là lớp màng (niêm mạc) phủ mặt trong tử cung (dạ con). Lớp niêm mạc này biến đổi hằng ngày theo các chất nội tiết của buồng trứng tiết ra trong chu kỳ kinh nguyệt.
Khi đang có kinh cũng là lúc niêm mạc này bắt đầu tái tạo phát triển dần lên. Đến cuối chu kỳ, lớp niêm mạc này rất dày, lúc này chất nội tiết buồng trứng giảm sút làm cho nó bong ra, gây chảy máu từ tử cung gọi là kinh nguyệt.
Lạc nội mạc tử cung là trường hợp các tế bào niêm mạc tử cung đi lạc chỗ, vào sâu trong lớp cơ của thành tử cung (lạc nội mạc trong cơ) hoặc "lạc" cả ra ngoài tử cung như ở buồng trứng, màng bụng (phúc mạc), thành ruột…
2. Biểu hiện lạc nội mạc tử cung
Các tế bào có nguồn gốc là niêm mạc tử cung nên nó cũng biến đổi theo chu kỳ dưới ảnh hưởng của nội tiết buồng trứng và cũng gây chảy máu giống như kinh nguyệt, từ đó gây đau.
Do vậy, biểu hiện lâm sàng của lạc nội mạc tử cung điển hình là đau bụng trước kỳ kinh nguyệt, thậm chí kéo dài cho đến nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt, có người đau bụng cho đến ngày cuối của chu kỳ.
Theo thời gian, cơn đau bụng sẽ ngày càng nặng, kèm theo các triệu chứng như buồn nôn, nôn tiêu chảy...
Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp, triệu chứng không rõ ràng, có thể chỉ có biểu hiện đau vùng chậu lắt nhắt, đau lưng hoặc đau khi quan hệ tình dục, đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, ra nhiều máu kinh, có cục máu đông, chu kỳ kinh thất thường…
Triệu chứng lạc nội mạc tử cung đôi khi có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh lý khác gây ra triệu chứng đau vùng chậu như viêm vùng chậu, u buồng trứng. Bệnh lý này cũng có thể bị nhầm với hội chứng ruột kích thích, với các triệu chứng như tiêu chảy, táo bón, đau quặn bụng.
3. Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
Lạc nội mạc tử cung tuy không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ nhưng nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể diễn biến nặng hơn và gây ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản.
Bệnh có thể gây tổn thương vòi trứng, phá huỷ nhu mô buồng trứng, gây dính vòi trứng hay cản trở sự phóng noãn của buồng trứng, tắc vòi tử cung, ngăn cản trứng không gặp được tinh trùng, có thể gây khó khăn cho việc thụ thai và dẫn đến vô sinh.
Trên thực tế có nhiều chị em phụ nữ không chú ý đến những triệu chứng này, coi đó là những cơn đau bụng bình thường khi có kinh nên không đi khám và điều trị sớm làm tăng nguy cơ vô sinh.
4. Các phương pháp điều trị lạc nội mạc tử cung
Có 2 phương pháp điều trị phổ biến là điều trị nội khoa và phẫu thuật. Mục tiêu điều trị dựa trên nhu cầu của bệnh nhân kết hợp với điều trị giảm đau, giảm tiến triển và giảm tái phát bệnh hoặc tăng khả năng có thai, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Trong điều trị nội khoa, người bệnh có thể được dùng thuốc có tác dụng làm thoái triển và làm teo các đám niêm mạc tử cung lạc chỗ. Việc dùng thuốc phải do bác sĩ chỉ định, cân nhắc sau khi đánh giá cụ thể mức độ nặng, nhẹ.
Bổ sung nội tiết tố cũng có thể làm giảm đau hiệu quả, đồng thời ngăn chặn sự tăng trưởng các mô nội mạc tử cung phát triển phía bên ngoài. Tuy nhiên, đây cũng không phải phương pháp điều trị lâu dài.
Khi có dấu hiệu lạc nội mạc tử cung, chị em cần đi khám và điều trị sớm. Ảnh minh họa
Việc phẫu thuật cho bệnh nhân chỉ nên được thực hiện ở thời điểm sau khi nội khoa không đáp ứng, hạn chế phẫu thuật lặp đi lặp lại, bảo tồn dự trữ buồng trứng.
Đối với người bệnh trẻ tuổi, cần giữ gìn cơ quan sinh sản, có thể phẫu thuật gỡ dính, bóc tách lạc nội mạc tử cung, bệnh nhân có thể sớm tranh thủ mang thai.
Trong các trường hợp lạc nội mạc tử cung nặng, phụ nữ lớn tuổi hoặc không còn nhu cầu sinh con, có thể tiến hành cắt buồng trứng, thậm chí cắt tử cung.
Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ lạc nội mạc tử cung, nhất là đau bụng trong kỳ kinh nguyệt, chị em phụ nữ nên đến cơ sở y tế chuyên khoa khám để chẩn đoán xác định và có biện pháp điều trị thích hợp để loại trừ những tổn thương lạc nội mạc, ngăn ngừa tái phát và đảm bảo khả năng sinh sản.
Theo suckhoedoisong.vn