Ngay cả cảm xúc tích cực như vui mừng thái quá cũng vậy. Y học Đông phương xếp các cảm xúc gây bệnh cho con người vào nhóm nguyên nhân gây thất tình: nộ (giận), hỉ (vui), ưu (lo), tư (suy nghỉ), bi (buồn), kinh (sợ), khủng (hốt hoảng).
Theo danh y Tuệ Tĩnh: Thân thể con người nhờ khí huyết mà sinh trưởng, nhờ tạng phủ mà nuôi dưỡng. Cho nên khéo bồi dưỡng thì có ích, không khéo gìn giữ thì có hại. Khéo bồi dưỡng là lo nghĩ vừa phải, mừng giận có chừng, ăn uống dè dặt, làm lụng điều độ... như thế là có ích. Không khéo giữ gìn là ham muốn quá độ. Tửu sắc không dè, thất tình dồn ép, làm lụng quá sức, tinh thần và hình thể đã bị mệt mỏi ắt là gặp phải tai hại mà phát sinh bệnh tật. Biết giữ thân phải hết sức cẩn thận, biết phòng bệnh hơn là chữa bệnh.
Y học cổ đại giảng dạy về dưỡng sinh đều lấy “tinh, khí, thần” gọi là “tam bảo” của cơ thể. Do đó, giữ gìn tinh, khí, thần là dưỡng sinh, là nguyên tắc chủ yếu để trường thọ.
Tinh: Là cấu thành cơ thể, duy trì hoạt động sống của con người. Tinh được xem là chân âm của cơ thể, không chỉ có chức năng sinh dục, thúc đẩy cơ thể sinh trưởng và phát triển mà còn có thể đề kháng các nhân tố không tốt ảnh hưởng đến cơ thể.
Khí: Nguồn động lực cho mọi hoạt động của sự sống. Khí có 2 nghĩa: là vật chất tinh vi vận hành trong cơ thể khó thấy được; là công năng hoạt động của các cơ quan tạng phủ trong cơ thể. Mọi hoạt động của con người như hít thở không khí, hấp thụ thức ăn, phân bố dinh dưỡng, vận hành huyết dịch, để được nhu nhuận, không thể không dựa vào công năng của khí. Người xưa đã đúc kết và phát triển đã đưa ra rất nhiều kinh nghiệm và phương pháp để dưỡng khí như “nói ít lời, dưỡng khí huyết; tránh sắc dục, dưỡng tinh khí; ăn ít vị mạnh, dưỡng khí huyết; nuốt nước bọt, dưỡng tạng khí; ăn đồ ngon, dưỡng vị khí; bớt lo nghĩ, dưỡng tâm khí...”
Thần: Là yếu tố quyết định mọi hoạt động sống như: tinh thần, ý chí, trí tuệ, vận động... Bao quát các hoạt động của: hồn, phách, ý, trí, suy, tư. Thông qua các hoạt động đó mà biết được cơ thể được mạnh khỏe hay không. Y học cổ đại Đông phương đã chỉ ra mối liên hệ giữa các triệu chứng của cơ thể với trạng thái cảm xúc.
Khoa học hiện đại ngày càng có nhiều bằng chứng hơn về vấn đề này. Khi suy nghĩ tích cực, não bộ sẽ sản sinh ra các endorphins gây ảnh hưởng có lợi tới các nội tạng cơ thể. Ngược lại, với các suy nghĩ tiêu cực, não bộ sẽ sản sinh ra adrenaline, khiến hệ thống đề kháng bị đình trệ. Như vậy là, những suy nghĩ tiêu cực như oán hận, đố kỵ, thù địch, sợ hãi, lo lắng... sẽ không chỉ gây ảnh hưởng tới tinh thần của bạn, mà còn khiến thế chất suy sụp.
Người ta ví những căng thẳng “stress là chất muối làm thi vị cuộc đời nhưng đừng xài nó quá mặn”. Trong cuộc sống chỉ nên như muối, một chút thôi thì sẽ là gia vị cho cuộc sống thêm đậm đà. Thực chất stress ở mức độ nhỏ đến vừa phải là động lực thôi thúc chúng ta giải quyết vấn đề, tạo ra cái mới. Nhưng stress quá độ làm mất cân bằng trong tâm lý sẽ rất tai hại, gây nhiều hậu quả về thể chất và tinh thần.
Dấu hiệu của sức khỏe tinh thần mất cân bằng cần được quan tâm:
- Trạng thái dễ bị kích thích: Do suy nhược cơ thể, con người trở nên rất dễ cáu gắt, la hét, quát tháo cho dù những nguyên cớ rất nhỏ nhặt. Song song đó vẫn nhận biết được việc cáu gắt đó là không đúng, nhưng không thể kiểm soát được, họ lại bị quấn vào vòng quẩn căng thẳng. Do tính cảm thụ của các giác quan trong cơ thể gia tăng nên họ có thể bực tức với cả tiếng nô đùa của trẻ con, mùi nước xịt phòng, ánh sáng đèn chói chang hoặc vị chua của bát canh...
Một biểu hiện khác của trạng thái dễ bị kích động là thường mau nước mắt khi xem một bộ phim tình cảm hay nghe một chuyện kể bi thương nào đó. Nếu không tách hẳn với nguyên do đó hoặc không được quan tâm đúng mức, suy nhược thần kinh ngày càng trầm trọng và có thể dẫn đến những bệnh lý tâm thần khác.
- Đau đầu: Một trong những triệu chứng thường thấy. Có cảm giác nặng nề ở đầu, nhức buốt hai hốc mắt (có thể kèm theo tình trạng tăng độ cận thị,...). Chứng nhức đầu gia tăng khi nghỉ ngơi hoặc khi ngồi không hoặc khi chưa có một giải pháp cụ thể nào cho khó khăn đang đối mặt. Vị trí đau thường khu trú ở trán và có thể hai bên thái dương. Đau đầu có thể xuất hiện ngay khi thức dậy vào buổi sáng, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, làm việc trong ngày; gia tăng tình trạng suy nhược nếu không được điều trị kịp thời và đúng mức.
- Rối loạn giấc ngủ: Xảy ra với các hình thức như thường xuất hiện mộng mị, ác mộng, ngủ vật vờ, khó ngủ, ngủ nông cạn, ngủ ngắn và không tài nào ngủ trở lại được... Ảnh hưởng của việc rối loạn giấc ngủ làm trầm trọng hơn tình trạng sức khỏe, ảnh hưởng đến hiệu suất công việc... gia tăng vòng xoắn của suy nhược thần kinh.
Các triệu chứng khác có thể xảy ra ở mỗi cá nhân:
- Rối loạn cảm giác, tri giác vận động như chóng mặt, ù tai, dị cảm kiến bò, kim châm, tê tay chân, run giật cơ (nhất là ở mắt và mặt). Gia tăng phản xạ gân cơ.
- Các triệu chứng tâm thần nhẹ như khuynh hướng gia tăng nhịp tim, hồi hộp, đánh trống ngực, đau sau vùng xương ức. Cảm giác ngột ngạt, thở gấp cũng rất thường xảy ra, nhất là khi có những tác động không mong muốn
- Rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, nôn ợ, đầy hơi, khó tiêu... Hậu quả của rối loạn nhu động bình thường của dạ dày- ruột
- Rối loạn cảm xúc, ý chí và trí năng thể hiện bằng các biểu hiện mất tập trung, lo ra, suy nghĩ kém linh hoạt. Rối loạn ngôn ngữ, định kiến, ám ảnh... nhưng không có thay đổi hành vi, nhân cách.
Nguyên tắc chăm sóc chung
- Giải tỏa căng thẳng bằng tâm lý, liệu pháp.
- Nghỉ ngơi.
- Nâng tổng trạng (hưng phấn, ức chế) bằng thuốc, tập luyện.
Ứng dụng y học để cải thiện sức khỏe tinh thần:
- Thiền: Quán tưởng những ý nghĩ tích cực. Gồm 2 bước tập luyện: tĩnh, động.
- Thư giãn Nằm che mắt nơi yên tĩnh, thực hiện 3 bước:
Bước 1: Ức chế ngũ quan.
Bước 2: Theo dõi hơi thở, thở thật êm, nhẹ, đều, nông, cho đến khi đi vào giấc ngủ.
- Động tác thở 4 thời: Tập đều đặn 10 – 15 hơi thở x 2 lần / ngày. Nằm ngửa thẳng, kê một gối ở mông, cao khoảng 5-8 cm vừa sức, tay trái để trên bụng, tay phải để trên ngực; nhắm mắt, chú ý vào việc tập thở. Với 4 thời tập luyện:
- Thời 1: Hít vào tối đa, ngực nở bụng phình và căng (3- 6). Hít ngực bụng nở.
- Thời 2: Giữ hơi, mở thanh quản bằng cách cố gắng hít thêm, lồng ngực vẫn giữ nguyên ở tình trạng nở tối đa, bụng vẫn phình căng cứng, đồng thời giơ một chân giao động qua lại 4 (hoặc 6) cái, rồi hạ chân. (3-6); (Giữ hơi hít thêm).
- Thời 3: Thở ra thoải mái tự nhiên, để lồng ngực và bụng tự nhiên hạ xuống, không kềm không thúc. (3-6) (Thở không kềm thúc)
- Thời 4: Thư giãn chân tay mềm giãn. (3-6); (Nghỉ nặng ấm thân) chuẩn bị trở lại thời một, hít vào.
Luyện tổng hợp hô hấp, tuần hoàn và thần kinh. Chủ yếu là luyện sự cân bằng trình hưng phấn và ức chế.
- Xoa bóp - bấm huyệt vùng đầu: Người xoa bóp bấm huyệt cần được nằm ngửa. Thả lỏng người và tiến hành xoa bóp qua các bước sau:.ý
- Ấn day chân tóc: Dùng đầu ngón tay thực hiện kỹ thuật ấn theo hình lò xo.
- Chải đầu: dung các ngón tay chải đầu, theo hướng chải thẳng và chải ngang. Vừa chải vừa kéo nhẹ chân tóc.
- Vỗ đầu: Dùng đầu các ngón tay vỗ quanh đầu, theo hai hướng ngược chiều nhau, vỗ hai vòng.
- Gõ đầu: Dùng thủ thuật chặt bằng ngón tay: 2 bàn tay chập lại tác động vùng đầu.
- Bóp đầu: Ngón cái 1 bên các ngón tay còn lại 1 bên và thực hiện bóp. Hai bàn tay bóp đầu theo hướng từ dưới lên trên.
- Tìm điểm đau và day điểm đau:Tùy điểm đau cự án hay thiện án mà day cho thích hợp.
- Ấn day huyệt: Đầu duy, bách hội, phong phủ, phong trì, tứ thần thông, thái dương, ế phong. Tùy vị trí mà sử dụng huyệt hợp lý
- Rung: Hai tay ôm lấy đầu và thực hiện kỹ thuật rung với tần số nhanh.
- Túi chườm thảo dược: Chườm ấm vùng cổ gáy để an thần dễ ngủ. Tăng tuần hoàn não, ổn định huyết áp.
- Ngâm tắm thảo dược, hương liệu pháp giúp cân bằng cảm xúc.
Theo suckhoedoisong