Vitamin là nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu giúp cơ thể khỏe mạnh. Liều lượng phù hợp rất quan trọng để duy trì bộ não, xương, da và máu khỏe mạnh. Một số vitamin cũng hỗ trợ chuyển hóa thức ăn, giảm viêm và tăng cường miễn dịch. Nhiều loại vitamin không được cơ thể sản xuất và phải được cung cấp thông qua thực phẩm hoặc chất bổ sung vitamin.
Mặc dù là chất dinh dưỡng cần thiết, nhưng bổ sung quá nhiều lại không tốt. Dùng quá nhiều bất kỳ loại vitamin nào cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, gây ngộ độc vitamin. Một số lựa chọn chế độ ăn uống nhất định cũng có thể có nguy cơ thường xuyên tiêu thụ quá nhiều vitamin.
Nhiều thực phẩm bổ sung vitamin giúp chống viêm, tăng cường miễn dịch, nhưng quá liều có thể gây hại.
Một số loại vitamin có hợp chất chống viêm, có thể được bổ sung qua thực phẩm tự nhiên hay thực phẩm bổ sung. Các vitamin này dưới dạng thực phẩm bổ sung hay thuốc rất dễ bị lạm dụng, thừa dẫn đến ngộ độc… |
1. Vitamin A
Vitamin A được cơ thể sử dụng để thúc đẩy thị lực, phản ứng của hệ miễn dịch... khi tiêu thụ với lượng vừa phải. Đây là một loại vitamin tan trong chất béo, được tìm thấy ở nồng độ cao trong gan, thận và dầu cá động vật và ở nồng độ vừa phải trong sữa, trứng. Các loại rau như khoai lang, cà rốt cũng là nguồn cung cấp vitamin A vừa phải.
Dùng quá nhiều vitamin A có thể dẫn đến thừa, gây ngộ độc. Độc tính của vitamin A thường ảnh hưởng đến da, gây mẩn đỏ, kích ứng và bong tróc từng mảng. Việc bổ sung quá mức, mạn tính có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm: Thay đổi áp lực trong hộp sọ (tăng huyết áp nội sọ), thay đổi tầm nhìn, buồn nôn, chóng mặt, đau xương…
Đối với người mang thai hoặc có kế hoặc mang thai không tự ý uống các chất bổ sung vitamin A, vì thừa có thể gây quái thai, dẫn đến rối loạn phát triển của phôi/thai nhi.
2. Vitamin B
Các vitamin B đều quan trọng cho quá trình trao đổi chất, liên quan đến sức khỏe của da, tóc, não và cơ bắp. Hầu hết mọi người nhận được các loại vitamin này thông qua chế độ ăn uống.
Tuy nhiên, nếu lạm dụng thực phẩm bổ sung hay thuốc… có thể gây thừa, ngộ độc. Ví dụ, thừa vitamin B3 có thể gây dị tật bẩm sinh (nếu bạn đang mang thai), làm trầm trọng bệnh gout (vì làm tăng axit uric), tiêu cơ vân (khi dùng cùng statin trị mỡ máu)… Các triệu chứng ban đầu của ngộ độc vitamin B3 có thể làm giãn mạch máu dẫn đến đỏ da, ngứa và rát.
Dùng vitamin B5 ở liều cực cao có thể gây tiêu chảy. Dùng quá nhiều vitamin B6 có thể gây mất khả năng phối hợp, tổn thương da và rối loạn tiêu hóa. Các triệu chứng thường hết khi ngừng bổ sung vitamin…
3. Vitamin C
Tốt nhất là bổ sung các vitamin qua thực phẩm.
Vitamin C còn được gọi là axit ascorbic, được cơ thể sử dụng như một chất chống oxy hóa để ngăn ngừa tổn thương tế bào, sửa chữa các mô trong cơ thể. Nó được tìm thấy trong trái cây họ cam quýt, khoai tây, ớt và rau xanh. Lượng khuyến nghị hàng ngày cho người lớn là 90 mg đối với nam và 75 mg đối với nữ.
Vitamin C được biết đến với vai trò giúp giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và hoạt động tốt. Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy vitamin C có thể loại bỏ các gốc tự do gây viêm. Vitamin C cũng có thể giúp giảm protein phản ứng C. Thuốc bổ sung rất hữu ích, nhưng tốt nhất bạn nên cố gắng bổ sung vitamin C từ chế độ ăn uống của mình.
Vitamin C thường không được coi là độc hại, nhưng liều lớn 2.000 mg mỗi ngày có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa, gây tiêu chảy, chuột rút và buồn nôn.
4. Vitamin D
Vitamin D, còn được gọi là calciferol, hỗ trợ hấp thu canxi và tạo xương. Tiền vitamin D có thể được sản xuất trong da, nhưng với việc ngày càng có nhiều người dành phần lớn thời gian ở trong nhà hoặc sống ở những vùng có lượng ánh nắng mặt trời giảm theo mùa, chỉ riêng làn da tiếp xúc với ánh nắng có thể không cung cấp đủ lượng vitamin D cần thiết.
Do đó, cần bổ sung vitamin D qua các loại thực phẩm như sữa tăng cường, nước trái cây tăng cường, ngũ cốc và cá và có sẵn dưới dạng thực phẩm bổ sung. Lượng khuyến nghị hàng ngày cho người lớn từ 31 đến 70 tuổi là 15 mcg (600 IU) và 20 mcg (800 IU) cho người lớn từ 71 tuổi trở lên.
Nếu bạn bổ sung 100 mcg (10.000 IU) vitamin D trở lên mỗi ngày, có nguy cơ bị ngộ độc vitamin D, dẫn đến lượng canxi trong máu cao bất thường. Các triệu chứng có thể bao gồm sỏi thận, buồn nôn, nôn, táo bón, khát nước quá mức, đi tiểu nhiều, lú lẫn và sụt cân. Dùng liều cao cũng có liên quan đến nguy cơ ung thư, các vấn đề về tim và tăng nguy cơ gãy xương.
Chẩn đoán có thể được thực hiện bằng xét nghiệm máu và nước tiểu để tìm canxi, vitamin D và phốt pho. Để điều trị, nên ngừng bổ sung vitamin D, nhưng có thể cần các phương pháp điều trị khác trong trường hợp nặng.
5. Vitamin E
Vitamin E là một loại vitamin chống oxy hóa, để bảo vệ các tế bào của cơ thể khỏi bị hư hại, làm giảm viêm. Vitamin E được tìm thấy tự nhiên trong các loại hạt, bao gồm hạnh nhân và hạt hướng dương. Nhiều loại trái cây và rau quả cũng rất giàu vitamin E, bao gồm bơ và rau bina.
Sử dụng hàng ngày từ 300 mg trở lên từ các chất bổ sung có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới, đột quỵ và xuất huyết...
6. Vitamin K
Một báo cáo trên tạp chí Trao đổi chất cho thấy vitamin K có thể làm giảm các dấu hiệu viêm, giúp đông máu và bảo vệ sức khỏe của xương. Đây là một loại vitamin tan trong chất béo quan trọng cho quá trình đông máu. Nó được tìm thấy trong sữa, dầu đậu nành và rau xanh... Các chất bổ sung thường không cần thiết ngoại trừ những trường hợp sự hấp thu bị giảm. Lượng khuyến nghị hàng ngày cho người lớn là 120 mcg đối với nam và 90 mcg đối với nữ.
Tránh bổ sung vitamin K nếu bạn đang thuốc chống đông máu đường uống (thuốc làm loãng máu) như coumadin (warfarin), vì chúng là chất đối kháng...
Để an toàn, tốt nhất nên bổ sung vitamin qua thực phẩm. Người dùng nên trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chất bổ sung hay thuốc chứa vitamin nào. Điều quan trọng cần lưu ý là bổ sung vitamin không thể thay thế thuốc điều trị. |
Theo suckhoedoisong.vn