Trong thời gian này, có nhiều điều mà mọi người có thể làm để giúp kiểm soát triệu chứng và giúp vết thương mau lành. Việc cần làm trước tiên là cần súc miệng bằng nước ấm pha muối nhiều lần trong ngày. Cách này sẽ giúp giảm viêm và ngăn ngừa nhiễm trùng, theo tạp chí y khoa Medical News Today (Anh).

Làm gì để mau phục hồi sau khi nhổ răng khôn? - ảnh 1

Các loại thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol, ibuprofen có thể giúp giảm bớt cảm giác khó chịu

SHUTTERSTOCK

Dùng các loại thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol, ibuprofen có thể giúp giảm bớt cảm giác khó chịu. Ngoài ra, chườm lạnh lên mặt ở vị trí răng khôn khoảng 20 phút/lần cũng giúp giảm sưng.

Khi ăn, hãy ưu tiên ăn các món mềm như súp, sữa chua, khoai tây nghiền trong vài ngày đầu tiên sau khi nhổ răng khôn. Khi cơn đau đã thuyên giảm, người nhổ răng khôn hãy dần dần ăn trở lại một số món rắn.

Đặc biệt, rượu bia và thuốc lá là những thứ cần tránh xa vì chúng sẽ làm chậm quá trình tự chữa lành vết thương của cơ thể. Trong trường hợp người nhổ răng khôn bị chảy máu không dứt hoặc nướu bị nhiễm trùng thì cần phải liên hệ với nha sĩ hay bác sĩ ngay lập tức. Điều trị phù hợp sẽ giúp viêm sưng mau khỏi.

Răng khôn thường xuất hiện trong độ tuổi từ 17 đến 25. Thông thường, răng khôn sẽ không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, chúng sẽ gây viêm và sưng đau khi mọc lệch.

Nếu cơn đau dữ dội, nha sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật để loại bỏ răng khôn. Một số người còn chọn cách chủ động nhổ bỏ răng khôn trước khi chúng gây sưng đau.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, răng khôn không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng và không cần phải nhổ. Nếu răng khôn bắt đầu nhú lên khỏi nướu mà không gây đau hay bất kỳ triệu chứng gì thì cũng không cần phải nhổ. Việc cần làm là theo dõi chúng ở các lần khám răng định kỳ.

Theo Thanh niên