Mấy hôm nay, mạng xã hội lan truyền chuyện thầy giáo dạy toán “cúi xuống nhặt đồ rồi vô tình chạm phải đùi của nữ sinh” nhưng clip học sinh dùng điện thoại di động quay được lại cho thấy thầy có những hành vi thiếu đứng đắn như kề má, vòng tay qua người ôm nữ sinh, đặt tay vào phần lưng dưới của nữ sinh ngay trên lớp. Nghe nói thầy dọa các học sinh không được về méc ba mẹ, nếu không vào lớp sẽ bị “đì”…
Nếu con bị “vô thế” như vậy thì phải làm sao? Và nếu thấy bạn mình rơi vào tình huống đó, con phải giúp bạn thế nào?
Nguyễn Ngọc M. (học sinh lớp Chín, TPHCM)
Nhiều báo cáo về xâm hại tình dục học đường cho thấy: thủ phạm ngoài bạn bè cùng trang lứa, còn là giáo viên/nhân viên nhà trường. Những vụ việc đó dẫn tới sự lo lắng về sự an toàn của học sinh trong thời gian ở trường; tạo ra tâm lý nghi ngờ, mất niềm tin vào đạo đức nghề giáo; nhận định méo mó về mối quan hệ lành mạnh giữa thầy và trò; không tôn trọng chính cơ thể mình.
Hầu hết các vụ xâm hại đều diễn ra trong thời gian dài mà không bị phát hiện, chỉ đến khi tình trạng tâm lý của học sinh trở nên bất thường và gia đình gặng hỏi, sự việc mới được phơi bày.
Đến nay, những cử chỉ và lời nói mang ngụ ý tình dục (chưa đụng chạm cơ thể) thường bị xem nhẹ và phớt lờ. Tuy nhiên, đó không chỉ vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội mà được xem như hành vi quấy rối tình dục, xét theo 2 tiêu chí:
1. Những hành vi này mang đặc tính gây hại cho người tiếp nhận, khiến nạn nhân cảm thấy khó xử, không thoải mái.
2. Người chủ động tạo nên những cử chỉ, lời nói có hại đó có thể đã nhằm chủ đích thiết lập, duy trì hay thỏa mãn nhu cầu cho bản thân.
Chưa đụng chạm đã vậy, huống hồ những hành vi thiếu đứng đắn đã được ghi lại/“bắt tại trận”.
Để bản thân và bạn bè thoát khỏi những “thế kẹt”, hãy áp dụng chiêu No - Go - Tell:
- Ngay lúc đó, nghiêm mặt, nhìn thẳng vào mắt đối tượng, nói gằn giọng: “Thầy bỏ tay ra khỏi người em!”, “Dừng lại!”. Nếu họ vẫn tiếp tục, đứng bật dậy, nói/hét to và rời khỏi chỗ đó.
- Kể với người mình tin tưởng, mô tả khách quan (không thêm thắt hoặc nói giảm nói tránh hay suy diễn, đoán mò…) những điều mình đã trải qua. Có thể họ không tin, khuyên không nên làm lớn việc này nhưng cháu hãy dũng cảm lên tiếng vì làm ngơ cái sai nhỏ là nuôi dưỡng cái sai lớn.
- Nhờ tới sự giúp đỡ của nhà trường, các đoàn thể. Nếu nhà trường không giải quyết triệt để (hứa sẽ xem xét rồi “im bặt”, “rơi vào quên lãng”) thì tố cáo tại cơ quan công an để họ xác minh giải quyết (cần lưu trữ những bằng chứng như tin nhắn, cuộc gọi, hình ảnh, ghi âm lời làm chứng của bạn bè, người chứng kiến…).
- Nếu thầy lợi dụng vị thế của mình trong giảng dạy, thi cử và xếp loại học sinh để “đì”, tạo áp lực, ép buộc trò phải miễn cưỡng đáp ứng nhu cầu tình dục thì đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Khi ấy, cháu có quyền kiện người đó ra tòa.
Nên bảo vệ mình từ xa bằng cách:
- Hiểu về quấy rối tình dục, nhận ra những hành vi, lời nói nào là lệch chuẩn, khiến cháu cảm thấy không thoải mái/không an toàn. Gặp đối tượng có hành vi đáng ngờ, ánh mắt và các cử chỉ phải cứng rắn, quả quyết hơn để bảo vệ bản thân ngay từ những lần giao tiếp đầu tiên. Kẻ đó sẽ nhận ra và dè chừng một người luôn rõ ràng trong các tương tác xã hội và khả năng bảo vệ bản thân rất cao.
- Biết vạch ra ranh giới trong các mối quan hệ bằng những điều cơ bản nhất như không cho phép ai chạm vào người mình, nói “Không” khi bị vi phạm. Biết cách phân tích tình huống và từ chối khi bị yêu cầu làm nhiều hơn mức độ cho phép.
- Tránh xa phim đen, web bẩn bằng cách dùng công cụ lọc nội dung online để ẩn đi 15 loại nội dung độc hại trên internet.
Trẻ nhỏ và học sinh học làm người qua quan sát, bắt chước. Người lớn xung quanh, đặc biệt các nhà giáo là những tấm gương để trẻ soi vào. Thầy cô giáo chỉ có chuyên môn và sư phạm thôi chưa đủ, còn phải “sạch” về đạo đức. Nếu tấm gương bẩn mà vẫn giương ra trước mắt mỗi ngày, trẻ sẽ coi những vết bẩn ấy là chuyện nhỏ, là bình thường và chấp nhận; dần trở nên dễ dãi, chỉ quan tâm đến phần “tài” mà coi nhẹ khía cạnh “đức”, khiến xã hội suy đồi.
Theo phụ nữ TPHCM