leftcenterrightdel
  Có nhiều lựa chọn sau khi điều trị vô sinh thất bại Ảnh: iStock 

Điều trị vô sinh không thành công có thể khiến các đôi vợ chồng cảm thấy thất vọng và căng thẳng. Đây là điều hoàn toàn bình thường vì nghiên cứu đã chỉ ra trong lần thử đầu tiên hoặc thậm chí lần thứ hai, tỷ lệ thành công rất thấp. Việc điều trị không thành công sẽ gây tốn kém thời gian, tiền bạc lại gây ảnh hưởng về tinh thần, nhưng một hoặc hai chu kỳ thất bại không có nghĩa là họ đã hết hy vọng. Các đôi cần có thêm thời gian hoặc một kế hoạch điều trị khác.

Thảo luận tiếp với bác sĩ sản khoa

Dù đang điều trị bằng cách nào, trước tiên hãy thảo luận với bác sĩ điều trị của mình về các vấn đề sau:

- Hỏi rõ về nguyên nhân thất bại: Trong những trường hợp điều trị phức tạp, chẳng hạn như IVF, việc xác định nguyên nhân có thể giúp tăng tỷ lệ điều trị thành công vào lần tiếp theo.

Cơ hội thành công là bao nhiêu nếu thử lại: Một số trường hợp điều trị vô sinh thất bại, tỷ lệ thành công vẫn được duy trì hoặc cũng có thể giảm đáng kể qua các lần thử nghiệm tiếp theo. Một số bệnh viện chuyên khoa sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu có thể giúp dự đoán khả năng thành công với các phương pháp điều trị khác nhau.

Rủi ro khi tiếp tục thực hiện phương pháp cũ: Chẳng hạn, không nên sử dụng Clomid (clomiphene) trong hơn 6 chu kỳ. Điều trị IUI liên tục có thể gây ảnh hưởng về mặt kinh tế lẫn tình cảm.

Tham khảo phương pháp sàng lọc mới: Các phương pháp thử nghiệm đã từng làm trước đây hoặc hoàn toàn mới chẳng hạn như sàng lọc di truyền, karyotyping, xét nghiệm các vấn đề miễn dịch sinh sản hoặc đánh giá khả năng của tử cung ở mức độ nâng cao,...

Bên cạnh việc thảo luận với bác sĩ sản khoa, tùy mỗi phương pháp điều trị, các đôi có thể tham khảo các bước tiếp theo sau những lần không thành công như:

Điều trị bằng Clomid hoặc Femara thất bại

Clomid (clomiphene) là loại thuốc hỗ trợ sinh sản được kê đơn phổ biến nhất. Đối với vô sinh nữ do các vấn đề rụng trứng nhẹ đến trung bình, điều trị bằng Clomid có thể thành công, hầu hết sẽ thụ thai trong ba tháng đầu. Thống kê cho thấy khoảng 71 - 87% các trường hợp dùng Clomid sẽ mang thai thành công vào chu kỳ thứ ba nhưng từ chu kỳ thứ sáu, tỷ lệ này rất thấp. Trên thực tế, Clomid không khuyến khích dùng nhiều hơn 6 chu kỳ điều trị, tối đa là 3 đến 4 chu kỳ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra, nguy cơ mắc một số bệnh ung thư tăng lên nếu sử dụng Clomid nhiều hơn 6 lần mà không đậu thai. Bên cạnh đó Clomid cũng có thể làm mỏng niêm mạc tử cung.

Femara (letrozole) tuy không phải là một loại thuốc hỗ trợ sinh sản nhưng cơ chế hoạt động cũng giống với Clomid. Đây cũng là loại thuốc hỗ trợ tốt hơn với những phụ nữ gặp tình trạng không rụng trứng khi dùng Clomid hoặc đang mắc chứng đa nang buồng trứng (PCOS). Do đó, nếu điều trị Clomid hoặc Femara không thành công từ sau 3 đến 6 chu kỳ, bác sĩ sẽ chỉ định bước tiếp theo là dùng thuốc tiêm với tiến hành IUI nếu bệnh nhân vẫn muốn tiếp tục điều trị.

Dùng thuốc tiêm hoặc IUI không thành công

Gonadotropins là loại thuốc hỗ trợ sinh sản dạng tiêm có thể được sử dụng riêng để kích thích rụng trứng trước khi quan hệ tình dục để mang thai hoặc được sử dụng cùng với thụ tinh trong tử cung (IUI). Gonadotropin có giá khá cao nhưng lại giúp tăng tỷ lệ mang thai thành công trong điều trị IUI. Vì vậy, hầu hết các bác sĩ kết hợp IUI và gonadotropin. Tùy thuộc vào nguyên nhân vô sinh, tỷ lệ thành công của IUI thay đổi đáng kể, từ 7% - 20% mỗi chu kỳ điều trị.

Khi IUI không thành công, có thể chuyển qua điều trị IVF. IUI có thể cần tới 9 chu kỳ cùng với quá trình kích thích buồng trứng nhẹ nhưng nhiều người lại thích chuyển qua điều trị IVF sau 3 chu kỳ IUI. Lý do là vì tỷ lệ thành công của IVF cao hơn. Hơn nữa, dù chi phí thực hiện một lần IUI ít tốn kém hơn IVF nhưng nếu thử lại nhiều lần có thể tốn từ vài triệu đến vài chục triệu mỗi lần thử tùy thuộc vào số lượng thuốc hỗ trợ sinh sản cần thiết để kích thích rụng trứng. Hơn nữa, khi đã thử nghiệm IUI quá nhiều lần không thành công thì một số cặp vợ chồng không có khả năng thụ tinh ống nghiệm sau này.

IVF thất bại

Điều trị IVF có thể được khuyến nghị nếu ống dẫn trứng bị tắc ở nữ, vô sinh do yếu tố nam giới hoặc khi các phương pháp điều trị sinh sản trước đó không thành công. IVF là phương pháp điều trị xâm lấn và tốn kém. Chi phí trung bình cho một chu kỳ IVF dao động trong khoảng vài trăm triệu đồng. Trong điều trị IVF, thuốc hỗ trợ sinh sản được sử dụng để kích thích buồng trứng. Sau đó, trứng được lấy ra và kết hợp với tinh trùng để tạo thành phôi. Sau ba đến năm ngày, một hoặc hai phôi được chuyển vào tử cung. Đôi khi, một chu kỳ IVF không thể chuyển phôi hoặc có chuyển phôi nhưng không dẫn đến mang thai. Tuy nhiên, một chu kỳ thụ tinh ống nghiệm thất bại không có nghĩa là lần sau sẽ có cùng kết quả. Trung bình mỗi cặp vợ chồng điều trị IVF phải mất 2,7 chu kỳ mới có thai. Tỷ lệ thành công sẽ cao hơn đối với phụ nữ trẻ.

Khi một chu kỳ IVF không thành công, bác sĩ sẽ xem xét liệu có thể thực hiện một số điều chỉnh nào trong lần thử tiếp theo hay không hoặc có thể chuyển sang dùng trứng của người hiến tặng.

Theo vnexpress