Chế độ ăn dựa chủ yếu vào thực vật có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường - ẢNH: SHUTTERSTOCK
Tim mạch và tiểu đường loại 2 là những bệnh mạn tính chứ không phải bệnh truyền nhiễm. Những bệnh truyền nhiễm như cúm hay Covid-19 là do một yếu tố riêng biệt gây ra. Tuy nhiên, bệnh mạn tính lại tập hợp rất nhiều yếu tố, theo Eat This, Not That!
Có những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường là không thể thay đổi như di truyền, giới tính, lịch sử gia đình. Trong khi đó, những yếu tố xuất phát từ lối sống, cách ăn uống, vận động, hút thuốc là hoàn toàn có thể thay đổi.
Nếu thay đổi những yếu tố này theo hướng tích cực thì chúng ta có thể ngăn ngừa cùng lúc nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường loại 2.
Yếu tố đầu tiên chính là ăn uống. Chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò quan trọng giúp ngăn ngừa các bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường. Ví dụ, thỉnh thoảng ăn một ít kem sẽ không làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Thế nhưng, nếu ăn thường xuyên thì nguy cơ này sẽ tăng lên đáng kể.
Các nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên ăn ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây, đậu và các loại hạt và ít ăn thịt đỏ, thịt chế biến, chất béo bão hòa và đường có xu hướng giảm nguy cơ mắc tiểu đường và tim mạch.
Trong khi đó, một chế độ ăn mà thực vật chiếm phần lớn là một trong những cách quan trọng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính. Những thực phẩm này giàu chất xơ, vitamin và chất chống ô xy hóa rất tốt cho cơ thể.
Tập thể dục thường xuyên đóng vai trò quan trọng giúp ngăn tim mạch, tiểu đường - ẢNH: SHUTTERSTOCK
Mặt khác, thịt đỏ và thịt chế biến chứa nhiều chất béo bão hòa. Ăn quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, thậm chí là một số dạng ung thư, các chuyên gia cho biết.
Ngược lại, mọi người nên chọn đậu để làm nguồn protein thay thế thịt đỏ. Cách này có thể giúp kiểm soát đường huyết, vốn có vai trò quan trọng giúp ngăn ngừa tiểu đường. Đồng thời, đậu cũng giúp kiểm soát huyết áp và giảm nồng độ cholesterol. Đây là 2 yếu tố làm tăng đáng kể nguy cơ mắc tim mạch.
Trái cây, rau, đậu và các loại hạt đều giúp đa dạng hóa các lợi khuẩn trong ruột. Các lợi khuẩn này quá ít có thể làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, tăng nồng độ cholesterol trong máu và dễ mắc các vấn đề viêm nhiễm khác.
Bên cạnh đó, tránh rượu bia, thuốc lá và tập thể dục thường xuyên cũng đóng vai trò quan trọng giúp ngăn tim mạch, tiểu đường. Tập gym, đi bộ, chạy bộ hay đạp xe 30 phút mỗi ngày là những cách tập luyện rất tốt cho sức khỏe, theo theo Eat This, Not That!
Theo thanhnien