Gõ bàn phím thường xuyên dễ mắc hội chứng ngón tay cò súng
Chị H. (46 tuổi) nhân viên văn phòng thấy mỗi khi thức dậy buổi sáng, ngón tay chị cứng hơn, khó cầm lược khi chải tóc. Vài hôm đầu chị nghĩ chắc do nằm ngủ tì đè nên bàn tay mới bị như vậy. Nhưng một thời gian tình trạng vẫn như vậy, thậm chí chị cầm lược hay đồ vật không chắc và hay bị rơi.
Nghe theo bạn bè mách chị đã lấy rượu xoa bóp nhưng cũng không cải thiện và quyết đi khám. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán chị H. bị ngón tay cò súng. Biểu hiện ngón tay cái thường xuyên tư thế co như cò súng rất khó duỗi ra gây khó khăn cho việc cầm nắm.
Thực tế cho thấy, bàn tay chúng ta hàng ngày làm nhiều việc nhưng hội chứng ngón tay cò súng dễ gặp hơn ở những người làm việc thường xuyên phải dùng ngón tay và bàn tay nhiều, cử động ngón tay co quắp thường xuyên như gõ bàn phím, thợ đứng máy, thợ sơn, nha sĩ, đếm tiền… Tuy nhiên, ngày nay bệnh trẻ hóa do nhiều người sử dụng ngón tay trong gõ máy tính, điện thoại thông minh.
Các nghiên cứu cho thấy, ngón tay cò súng xảy ra nhiều hơn ở phụ nữ. Ngoài ra, bệnh còn gặp ở những bệnh nhân mắc tiểu đường do dễ viêm dây thần kinh hay bệnh nhân viêm thấp khớp.
Nhìn chung, hiện các nhà nghiên cứu chưa thống nhất được nguyên nhân gây ra hội chứng ngón tay cò súng. Nhưng đa số đều đồng ý cho rằng bệnh có liên quan đến chấn thương lặp đi lặp lại hoặc sử dụng ngón tay quá mức hoặc do tình trạng viêm như viêm khớp dạng thấp gây ra.
Biểu hiện mắc hội chứng ngón tay cò súng
Ngón tay cò súng hay còn gọi là viêm bao gân gấp là tình trạng đau nhức hoặc sưng tấy ở vùng gốc ngón tay. Khi mắc, người bệnh siết chặt những ngón tay bị tật rồi duỗi ra, ngón tay có thể bị giật, có tiếng "bật" hoặc tiếng "tách" - giống như đang bóp cò súng. Đây là lý do vì sao hội chứng này còn được gọi là ngón tay cò súng.
Hội chứng ngón tay cò súng có thể xuất hiện ở bất kỳ ngón tay trên bàn tay nào, và có thể ảnh hưởng đến nhiều ngón tay một lúc. Các triệu chứng nhận biết hội chứng ngón tay cò súng là:
- Xuất hiện cứng khớp ngón tay, đặc biệt là vào buổi sáng.
- Người bệnh khi cầm nắm đồ vật hoặc duỗi thẳng một ngón tay có cảm giác bật hoặc tách đau đớn.
- Có thể có đau nhức hoặc sưng tấy ở trong lòng bàn tay, tại gốc ngón tay bị tật. Ngoài ra, ngón tay bị tật bị cứ giữ nguyên tư thế bị uốn gập, sau đó đột ngột bật thẳng ra hoặc cũng có thể ngón tay bị tật bị khóa ở tư thế bị uốn gập và bạn không thể duỗi thẳng ra được.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp người bệnh có biểu hiện cứng ngón tay, hạn chế cử động gập duỗi ngón mà không hề có "biểu hiện bật" điển hình. Người bệnh có thể có triệu chứng sưng tại khớp bàn ngón tay và ngón tay bị khóa vào buổi sáng, triệu chứng sẽ giảm bớt vào chiều tối. Sau cùng, ngón tay có thể bị "kẹt" tại một tư thế cố định, khiến bệnh nhân phải dùng bàn tay bên lành kéo cho duỗi ra.
Hội chứng ngón tay cò súng chữa được không?
Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. Việc lựa chọn phương pháp chữa ngón tay cò súng bao gồm: dùng thuốc và phẫu thuật.
- Dùng thuốc thường được chỉ định cho các trường hợp phát hiện sớm biểu hiện không nghiêm trọng và kèm theo tập vật lý trị liệu. Trường hợp nặng hơn các bác sĩ có thể chỉ định tiêm thuốc kháng viêm steroid.
- Phẫu thuật được chỉ định khi tình trạng bệnh kéo dài hoặc nghiêm trọng hoặc các phương pháp điều trị không phẫu thuật không cải thiện được triệu chứng. Ngoài ra phẫu thuật còn được các bác sĩ cân nhắc khi ngón tay cò súng bị khóa bất thường. Nói chung bệnh cũng có thể được điều trị khỏi bằng phẫu thuật khi các phương pháp nội khoa không có hiệu quả.
Ngón tay cò súng là bệnh do viêm dây chằng vòng cố định gân gấp ngón tay. Tình trạng viêm tiến triển gây đau khi gấp duỗi các ngón này, đồng thời việc cử động bị gián đoạn bởi "hiện tượng bật" tại một vị trí nhất định của ngón, thường ở khớp giữa ngón tay (khớp liên đốt gần).
Để phòng ngừa ngón tay cò súng, cần phải thường xuyên tập thể dục kết hợp với các bài tập tay linh hoạt như nắm tay, hạn chế để bàn tay lâu trong trường hợp gồng sức, sử dụng máy móc rung quá lâu hay giảm thời gian sử dụng ngón tay với điện thoại, máy tính.
Với trường hợp có đặc tính nghề nghiệp như nhân viên văn phòng khoảng 15 - 30 phút cần phải thay đổi tư thế, nghỉ giải lao và vận động để giảm sức căng của tay. Với người bệnh viêm khớp dạng thấp cần chú trọng theo dõi và tuân thủ những chỉ định của bác sĩ để tránh biến chứng.
Để tránh tái phát, bệnh nhân cần lưu ý hạn chế các chấn thương tuy nhẹ nhưng lặp đi lặp lại ở vị trí gốc ngón tay, mặt lòng bàn tay, liên quan đến công việc, sinh hoạt hàng ngày.
|
Theo suckhoedoisong.vn