Nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng Covid-19 tại Vabiotech (Việt Nam) - ẢNH: NGỌC THẮNG

Liên danh Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức) và Hãng công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) gần đây lần lượt công bố tin tức đầy hứa hẹn trong việc phát triển vắc xin ngừa Covid-19. Theo đó, kết quả ban đầu của việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cho thấy vắc xin của các hãng này có hiệu quả từ 90 - 95%. Cả hai loại vắc xin đều cần tiêm hai lần và khoảng cách giữa hai lần tiêm từ 3 - 4 tuần.

Sắp xếp lọ đựng vắc xin tại cơ sở của Pfizer ở Bỉ - ẢNH: REUTERS

Mặc dù đây chỉ là kết quả sơ bộ, nhưng các bên cũng đang có những chuẩn bị cần thiết để ngay lập tức phân phối và tiêm chủng cho người dân khi được cấp phép.

Xin phép khẩn cấp

Theo Reuters, Pfizer/BioNTech ngày 20.11 nộp đơn xin Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Covid-19 trong thời gian đại dịch. FDA sẽ đánh giá độ hiệu quả và an toàn của vắc xin trước khi cấp phép. Người đồng sáng lập BioNTech Ugur Sahin dự đoán có thể được cơ quan chức năng tại Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) bật đèn xanh trong tháng 12 và bắt đầu phân phối ngay. Moderna cũng dự kiến sẽ sớm đề nghị FDA cho phép sử dụng khẩn cấp vắc xin.

Tại Mỹ, các tiểu bang đang gửi kế hoạch phân phối vắc xin lên cho chính quyền liên bang và theo các quan chức Mỹ, việc phân phối sẽ diễn ra ngay khi FDA cấp phép. Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 19.11 cho biết Ủy ban Châu Âu (EC) đã yêu cầu các nước EU trình kế hoạch tiêm chủng nhưng theo bà Merkel, thứ tự ưu tiên tại hầu hết các nước đều giống nhau: nhân viên y tế trước rồi đến người có nguy cơ, theo Reuters. Trong khi đó, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen dự đoán cơ quan chức năng của EU có thể cấp phép cho vắc xin của Pfizer/BioNTech và Moderna trước cuối năm.

Theo AP, nếu được FDA cấp phép khẩn cấp, vắc xin của các hãng sẽ chỉ được cung cấp ở mức hạn chế trước cuối năm nay. Giới chức Mỹ hy vọng sẽ có khoảng 40 triệu liều vắc xin của Moderna và Pfizer/BioNTech để sử dụng vào cuối tháng 12. Pfizer trước đó dự kiến sẽ sản xuất khoảng 50 triệu liều vắc xin trong năm nay và 1,3 tỉ liều trong năm 2021.

Sau khi vắc xin được FDA cấp phép, tổ cố vấn cho Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) sẽ xem xét các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng về tác dụng của vắc xin đối với người dân ở những lứa tuổi, sắc tộc và tình trạng sức khỏe khác nhau. Từ đó, tổ cố vấn sẽ đưa ra khuyến cáo cho CDC về việc nên ưu tiên tiêm vắc xin cho nhóm đối tượng nào. Sau khi nhận được vắc xin, các tiểu bang sẽ tuân thủ hướng dẫn của CDC trong việc tiêm chủng.

Ai sẽ được tiêm trước?

Theo phần lớn nhận định của giới chuyên gia và quan chức y tế, nhóm người gặp nhiều nguy cơ với Covid-19 gồm nhân viên y tế và người lớn tuổi, cùng nhóm người lao động thuộc các ngành nghề thiết yếu sẽ được ưu tiên tiêm vắc xin trước. Sau đó, việc tiêm chủng sẽ được mở rộng ra toàn dân. Một số tiểu bang tại Mỹ đã trình kế hoạch tiêm chủng với nội dung tương tự như trên.

Tại Anh, Ủy ban Cố vấn cho chính phủ về tiêm chủng JCVI cũng sẽ đưa ra khuyến cáo về việc ưu tiên cho nhóm đối tượng nào. Tờ The Guardian dẫn khuyến cáo tạm thời của JCVI cho biết Anh sẽ ưu tiên tiêm chủng cho khoảng 22 triệu người thuộc 10 nhóm gồm người sống trong viện dưỡng lão, nhân viên y tế, người từ 50 tuổi trở lên... Những nhóm còn lại trong dân số sẽ lần lượt được tiêm chủng khi có đủ vắc xin.

Các nước tham gia liên minh vắc xin Covid-19 toàn cầu Covax do WHO điều phối sẽ nhận được đồng đều đủ số liều cho 3% dân số. Khi vắc xin được sản xuất thêm, Covax sẽ tăng mức phân phối lên 20% dân số. Sau đó, vắc xin được phân phối tùy theo mức độ nghiêm trọng của từng nước. Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ Anthony Fauci dự đoán có thể đến mùa hè năm 2021 những người không thuộc nhóm nguy cơ cao mới được tiếp cận với vắc xin. Tương tự, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng sẽ mất từ 4 - 6 tháng trước khi việc tiêm chủng được triển khai ở quy mô rộng trên thế giới.

Mặt khác, chính phủ các nước mua vắc xin từ các nhà sản xuất bằng tiền thuế nên người dân sẽ không phải trả tiền để được tiêm vắc xin. Tại Mỹ, các nhà cung cấp vắc xin sẽ thu phí tiêm chủng nhưng khoản phí này được các công ty bảo hiểm của bệnh nhân chi trả. Người không có bảo hiểm sẽ được quỹ hỗ trợ của Cơ quan Nguồn lực và dịch vụ y tế giúp trả mức phí này, theo CDC.

Việt Nam nằm trong chương trình toàn cầu

Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã chủ động triển khai các hoạt động về nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước cũng như tăng cường tiếp cận các vắc xin trên thế giới.

Việt Nam nằm trong số 92 quốc gia tham gia chương trình Covax.

Ngoài 2 nguồn cung ứng vắc xin có thể có (COVAX Facility) và nguồn vắc xin sản xuất trong nước nêu trên, Việt Nam cũng tích cực tìm kiếm các nguồn vắc xin khác thông qua tiếp cận, trao đổi trực tiếp với các nhà sản xuất nước ngoài.

“Song song với việc tìm kiếm các nguồn cung ứng vắc xin, Bộ Y tế cũng chuẩn bị các căn cứ pháp lý để thúc đẩy các thủ tục thử nghiệm, cấp phép đăng ký lưu hành đối với vắc xin Covid-19; yêu cầu các đơn vị rút ngắn toàn bộ tất cả các quy trình hành chính. Tuy nhiên, quy trình về chuyên môn, khoa học thì phải tuân thủ tuyệt đối, để đạt được mục tiêu vừa sớm có vắc xin, vừa đảm bảo được chất lượng, hiệu quả của vắc xin”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết.

Ngoài ra, theo ông Long, để đảm bảo kịp thời đưa vào sử dụng vắc xin Covid-19, Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển và sử dụng vắc xin Covid-19, mong muốn có thể sử dụng vắc xin Covid-19 cho người dân Việt Nam.

Bài toán phân phối

Theo Reuters, vắc xin của Pfizer/BioNTech cần được lưu trữ trong nhiệt độ âm 70 độ C, nên sẽ đặt ra thách thức trong việc lưu trữ và vận chuyển. Vắc xin này có thể được lưu trữ trong tủ lạnh thông thường từ 2 - 8 độ C, nhưng khi đó hạn sử dụng chỉ là 5 ngày. Vắc xin của Moderna có hạn sử dụng 30 ngày nếu được lưu trữ trong tủ lạnh từ 2 - 8 độ C và 6 tháng nếu được trữ ở nhiệt độ âm 20 độ C.

Theo The Guardian, các lọ vắc xin sẽ được cho vào những thùng đông lạnh chuyên dụng chứa đá khô với số lượng 1.000 lọ/thùng, tích hợp cảm biến nhiệt để đảm bảo duy trì đúng nhiệt độ cần thiết. 


Kêu gọi G20 “rót tiền” cho quỹ vắc xin Covid-19 toàn cầu

AFP hôm qua đưa tin nhiều lãnh đạo thế giới đã ký lá thư kêu gọi G20 giúp bù đắp khoản thiếu hụt 4,5 tỉ USD cho chương trình phân phối vắc xin ngừa Covid-19 toàn cầu. Lá thư ghi ngày 16.11, có chữ ký của Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, được gửi tới Quốc vương Salman của Ả Rập Xê Út - nước hiện giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của G20.

Bức thư nêu việc G20 cam kết đầu tư để bù đắp khoản thiếu hụt 4,5 tỉ USD cho chương trình ACT-Accelerator sẽ lập tức giúp cứu nhiều người, thúc đẩy mua và cung cấp quy mô lớn các thiết bị giúp ứng phó Covid-19, mở đường giúp thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.

ACT-Accelerator là sáng kiến do WHO khởi xướng nhằm thúc đẩy phân phối công bằng vắc xin, công cụ chẩn đoán và điều trị Covid-19 trên toàn cầu.

Danh Toại 

Theo thanhnien