|
|
Các chuyên gia của Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec thực hiện các quy trình của Liệu pháp tế bào CAR-T. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Trong lĩnh vực về huyết học, ung bướu và trị liệu tế bào trên Thế giới hiện nay, các chủ đề trong điều trị ung thư là liệu pháp miễn dịch với tế bào CAR-T và các kháng thể kháng nguyên kép… đang rất được quan tâm. Việc ứng dụng thành công liệu pháp CAR-T tại Việt Nam đang mở ra cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư bạch cầu cấp hoặc ung thư hạch không đáp ứng với các phác đồ điều trị thường quy.
Thông tin trên được nhấn mạnh tại Hội nghị Khoa học Quốc tế với chủ đề “Liệu pháp tế bào và gene: Chúng ta đang ở đâu?” với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế trong lĩnh vực y sinh học, diễn ra ngày 31/10 tại Hà Nội.
Công nghệ hàng đầu điều trị ung thư
Liệu pháp tế bào CAR-T điều trị ung thư huyết học là một dự án trọng điểm của Hệ thống Y tế Vinmec nhằm ứng dụng một trong những công nghệ hàng đầu trong điều trị ung thư cho người bệnh ở Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại đã có 4 bệnh nhân sử dụng liệu pháp tế bào CAR-T trong đó, có 3 bệnh nhân bạch cầu cấp và 1 bệnh nhân ung thư hạch.
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec cho hay kết quả sau điều trị của bệnh nhân rất khả quan. Có 3 trường hợp đã lui bệnh hoàn toàn và được ra viện, 1 bệnh nhân đang được điều trị và theo dõi. Dự kiến đến hết năm 2023, đề tài sẽ điều trị cho 8 người trong số 16 bệnh nhân dự kiến được truyền tế bào CAR-T, đạt 50% tiến độ.
|
|
Giáo sư Jacek Toporski - Cố vấn cao cấp cao, Trung tâm Cấy ghép tế bào gốc đồng loài và Liệu pháp tế bào (CAS-T), Bệnh viện Đại học Karolinska (Thụy Điển). (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Cụ thể, tháng 8/2023, bệnh nhi T.B.C (4 tuổi), được chẩn đoán mắc ung thư bạch cầu cấp dòng lympho, là trường hợp đầu tiên được điều trị thành công bằng liệu pháp tế bào CAR-T tại Việt Nam. Sau khi trải qua điều trị tấn công bằng 5 chu kỳ hóa chất và tiếp theo bằng 3 chu kỳ với phác đồ hóa chất mạnh hơn trong năm 2022 đến đầu năm 2023, bệnh của C. không có dấu hiệu thuyên giảm.
Giữa năm 2023, C. được tiếp nhận tại Vinmec. Sau quá trình chuẩn bị kĩ càng, bệnh nhân C. được truyền tế bào CAR-T. Sau truyền mặc dù bé đã xuất hiện các biểu hiện của hội chứng giải phóng cytokine nhưng đã được phát hiện và điều trị kịp thời. Sau 30 ngày, bệnh nhân tỉnh táo trở lại, sinh hoạt bình thường, không có dấu hiệu nhiễm độc thần kinh. Qua nhiều kiểm tra gắt gao, bệnh nhân được kết luận không còn tế bào ung thư trong máu ngoại vi, kết quả sinh thiết tủy cho thấy bệnh nhân lui bệnh hoàn toàn.
Tiếp nối thành công bước đầu, các bệnh nhân khác đã và đang được tiếp tục điều trị bằng liệu pháp này.
Bé H.G.B, 12 tuổi là bệnh nhân mới nhất. Đầu năm 2021, bé được chẩn đoán mắc Lơ xê mi cấp thể L2, nhóm nguy cơ trung bình tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Tại đây, các bác sỹ đã tiến hành các phác đồ điều trị hóa chất cho bé trong 1 năm, bệnh nhân đạt lui bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, đến tháng 7/2023, bệnh tái phát với 80% tế bào ác tính trong tủy. Các bác sỹ tiếp tục điều trị cho bệnh nhân với các phác đồ hóa chất khác nhau, nhưng vẫn không đẩy lui được bệnh hoàn toàn.
Tháng 9/2023, bệnh nhân B. được tiếp nhận điều trị bằng liệu pháp tế bào CAR-T tại Vinmec. Sau 3 tuần điều trị, các xét nghiệm đánh giá kiểm tra kỹ lưỡng cho thấy bệnh nhân đáp ứng tốt và các tế bào ác tính trong máu ngoại vi đã bị tiêu diệt hoàn toàn. 19 ngày từ ngày truyền tế bào CAR-T, B. chính thức được ra khỏi phòng điều trị cách ly đặc biệt và tiếp tục được các bác sỹ theo dõi.
Tại hội nghị, Giáo sư Jacek Toporski - Cố vấn cao cấp cao, Trung tâm Cấy ghép tế bào gốc đồng loài và Liệu pháp tế bào (CAS-T), Bệnh viện Đại học Karolinska (Thụy Điển) đánh giá đến nay trong lĩnh vực liệu pháp miễn dịch với tế bào CAR-T gần như Việt Nam đã bắt kịp với những tiến bộ của Thế giới, vì Việt Nam đã đi thẳng vào ứng dụng mang lại hiệu quả thực tiễn cho bệnh nhân.
Mở ra nhiều cơ hội sống cho người bệnh
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh việc ứng dụng thành công liệu pháp CAR-T tại Vinmec đang mở ra cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư bạch cầu cấp hoặc ung thư hạch không đáp ứng với các phác đồ điều trị thường quy. Trên thế giới chỉ có ít trung tâm làm chủ được công nghệ này. Việc triển khai liệu pháp đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về cả nhân lực và vật lực.
|
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Đây là phương pháp mới và lần đầu tiên được tiến hành ở Việt Nam. Để hỗ trợ Vinmec thực hiện đề tài, Tập đoàn Vingroup đã trang bị hệ thống máy móc, cơ sở vật chất hiện đại đủ điều kiện đáp ứng tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật để nuôi cấy tế bào và chuyển gene cũng như thực hiện các xét nghiệm đánh giá.
Vinmec là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam và một trong những đơn vị hàng đầu tại Đông Nam Á thực hiện các nghiên cứu ứng dụng về CAR-T. Sau 5 năm chuẩn bị, cùng với sự hợp tác của các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, với 4 bệnh nhân điều trị bước đầu thành công. Tuy nhiên, đây là một kỹ thuật rất phức tạp với công nghệ liên tục được cập nhật.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung chia sẻ ý tưởng và thảo luận kết quả nghiên cứu đột phá trong các chủ đề đang được giới y khoa và cộng đồng đang rất quan tâm như liệu pháp tế bào CAR-T và ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư, các bệnh huyết sắc tố do đột biến gene, suy giảm miễn dịch bẩm sinh.
Ngoài ra, các bài báo cáo của các diễn giả từ Mỹ, Thụy Điển, Đài Loan, Italy... sẽ là những kinh nghiệm quý để Vinmec có thể học hỏi và hoàn thiện quy trình điều trị cho các bệnh nhân tiếp theo./.
Theo vietnamplus