Hành trình trở lại cuộc sống bình thường...
Tại buổi họp lớp đồng niên năm nay, ai cũng nhìn ông N.V.A, 61 tuổi với ánh mắt ngỡ ngàng khâm phục. Không còn dáng vẻ tiều tụy của bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối như 2 năm về trước, giờ đây ông đã lấy lại vóc dáng bình thường, khỏe mạnh.
Ông A. cho biết, suốt 2 năm qua, ông đã kiên trì chiến đấu với bệnh ung thư, với sự hỗ trợ hết mình của các bác sĩ, và sự động viên của gia đình, bè bạn.
Tại Bệnh viện K, ban đầu, ông được chỉ định truyền hóa chất. Tuy nhiên, ông gặp nhiều tác dụng phụ. Khi đưa bố đi dự buổi họp lớp ở Bắc Ninh, lúc ông vào trong gặp bạn bè, người con trai quay xe lại và khóc. Anh nghĩ chắc đây là lần cuối cùng được đưa bố đi họp lớp…
Và rồi một thời gian sau căn bệnh của ông A. bị di căn đến thận. Lúc này, bác sĩ quyết định cho ông sử dụng liệu pháp miễn dịch. Sau 3 lần điều trị, sức khoẻ của ông thay đổi từ đây.
"Tôi hết đau nhức, cơ thể phục hồi và giảm dần các triệu chứng đau nhức. Nhờ đáp ứng tốt với liệu pháp miễn dịch, sức khoẻ của tôi dần hồi phục"- ông A. chia sẻ.
Trước đây ông là giáo viên, nay tuy không đứng lớp nữa nhưng ông rất hăng hái tham gia các hoạt động của làng xã. Ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội khuyến học của xã và tham gia vào Tổ Giám sát xây dựng của thôn.
Hành trình vượt qua "cửa tử", kiên trì chiến đấu với bệnh ung thư của ông A đã tiếp thêm hy vọng cho nhiều bệnh nhân ung thư khác, đặc biệt là những người không may được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn cuối.
Liệu pháp tiên tiến trong điều trị ung thư – bệnh nhân có dễ tiếp cận?
Liệu pháp miễn dịch là phương pháp sử dụng các thuốc để giúp cho hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại tế bào ung thư. Đây đang là một hướng đi mới của nhiều nhà nghiên cứu khoa học trên thế giới trong cuộc chiến với bệnh ung thư. Việt Nam cũng đã bắt đầu ứng dụng phương pháp điều trị tiên tiến này từ năm 2017. Bước đầu, phương pháp này đã đem lại những tín hiệu tích cực cho những người bệnh ung thư.
Theo lãnh đạo Bệnh viện K, hiểu rõ về cơ chế miễn dịch trong điều trị ung thư giúp người thầy thuốc cá thể hóa trên từng trường hợp cụ thể, hiểu rõ bản chất các đột biến gene, các thay đổi ức chế, dấu ấn miễn dịch, mở ra cánh cửa mới trong điều trị ung thư. Kết quả bước đầu ghi nhận, có nhiều triển vọng tích cực cho tỷ lệ sống thêm, giảm tỷ lệ tái phát di căn.
Nhờ tiếp cận phương pháp này, người bệnh ở Việt Nam được tối ưu hóa điều trị trong nước và kết quả, chất lượng có thể tiệm cận quốc tế.
Thông tin hội thảo thảo quốc gia "Ung thư và miễn dịch" do Bệnh viện K phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, tại Bệnh viện K đã áp dụng điều trị miễn dịch cho nhiều loại ung thư như ung thư vú, đại trực tràng, phổi, ung thư tiền liệt tuyến… và một số lĩnh vực thần kinh, nhi khoa.
Tuy nhiên trên thực tế, không phải bệnh nhân ung thư nào cũng may mắn được tiếp cận liệu pháp điều trị tiên tiến, do quan ngại gánh nặng tài chính. Lý do vì phần lớn các thuốc mới này chưa được Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả.
Những liệu pháp ung thư tiên tiến hiện nay giúp bệnh nhân mắc một số loại ung thư có cơ hội kéo dài sự sống là điều trị đích và miễn dịch. Trong đó, điều trị đích đã được phê duyệt vào danh mục thuốc được Quỹ BHYT chi trả cho các bệnh nhân phù hợp. Nhưng liệu pháp miễn dịch, dù đã được từng bước ứng dụng tại Việt Nam vài năm nay, vẫn chưa được xem xét phê duyệt vào Danh mục thuốc được chi trả này.
Giải pháp để nhanh chóng đưa thuốc tiên tiến đến với người bệnh
Việt Nam đã có những tiến triển và hành động nhằm rút ngắn khoảng cách với thành tựu y khoa thế giới với mục tiêu lớn của chiến lược phát triển ngành dược là bảo đảm có đủ thuốc tốt, giá hợp lý nhất cho người dân.
Mới đây, Bộ Y tế cũng đã đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược theo trình tự, thủ tục rút gọn. Trong đó có đề xuất đáng chú ý là tiến tới gia hạn tự động giấy đăng ký lưu hành thuốc và cắt giảm thủ tục cấp phép lưu hành thuốc mới.
Việc sớm xem xét đưa thuốc mới vào danh mục BHYT chi trả và rút ngắn thời gian phê duyệt sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc tăng hiệu quả điều trị và giảm gánh nặng tài chính cho bệnh nhân, đảm bảo cho mọi người được tiếp cận thuốc một cách công bằng và bền vững...
Theo đó, danh sách thuốc được quỹ bảo hiểm chi trả cần xem xét và phê duyệt thường xuyên hơn, chẳng hạn như hằng năm, giống như nhiều nước trên thế giới. Danh mục thuốc được bảo hiểm chi trả cần đáp ứng được nhu cầu điều trị, quyền tiếp cận của người bệnh trong khả năng chi trả của Quỹ BHYT.
Theo suckhoedoisong.vn