Lô thuốc Remdesivir vừa về TP.HCM có tác dụng điều trị COVID-19 ra sao?
Cập nhật lúc 16:51, Thứ sáu, 06/08/2021 (GMT+7)
Kết quả nghiên cứu sơ bộ chỉ ra rằng những bệnh nhân sử dụng Remdesivir có thời gian phục hồi nhanh hơn, thời gian trung bình để phục hồi là 11 ngày so với 15 ngày đối với những người dùng giả dược.
Kết quả nghiên cứu sơ bộ chỉ ra rằng những bệnh nhân sử dụng Remdesivir có thời gian phục hồi nhanh hơn, thời gian trung bình để phục hồi là 11 ngày so với 15 ngày đối với những người dùng giả dược - Nguồn ảnh: Bộ Y tế
Ngày 1-5-2020, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép sử dụng thuốc Remdisivir trong điều trị những trường hợp mắc COVID-19 (ca xác định hoặc nghi ngờ) ở người lớn và cả trẻ em, thuốc chỉ được sử dụng trong điều trị nội trú.
Remdesivir là thuốc kháng virus phổ rộng, sử dụng dưới dạng truyền tĩnh mạch, thời gian sử dụng thuốc cho một đợt điều trị là 10 ngày; được đánh giá dựa trên một phân tích dữ liệu từ công trình nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát với 1.063 bệnh nhân mắc COVID-19, bắt đầu ngày 21-2-2020.
Nghiên cứu này còn được gọi là "thử nghiệm điều trị COVID-19 thích nghi", được tài trợ bởi Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIAID - Mỹ). Đây là thử nghiệm lâm sàng đầu tiên tại Mỹ nhằm đánh giá một phương pháp điều trị thử nghiệm cho COVID -19.
Người đầu tiên tham gia thử nghiệm này là một tình nguyện viên người Mỹ vừa được trở về nước sau khi bị cách ly trên tàu du lịch Diamond Princess cập cảng ở Yokohama (Nhật Bản). Tổng cộng có 68 địa điểm tham gia vào nghiên cứu, trong đó ở Mỹ 47 điểm và 21 điểm tại các quốc gia ở châu Âu và châu Á.
Kết quả nghiên cứu sơ bộ chỉ ra rằng những bệnh nhân sử dụng Remdesivir có thời gian phục hồi nhanh hơn 31% so với những người dùng giả dược (p <0,001) (giả dược là vật chất hay phương pháp trị liệu được thiết kế để không có hiệu quả điều trị). Cụ thể, thời gian trung bình để phục hồi là 11 ngày đối với bệnh nhân được điều trị bằng Remdesivir so với 15 ngày đối với những người dùng giả dược.
Kết quả cũng cho thấy tỉ lệ tử vong là 8,0% đối với nhóm nhận Remdesivir so với 11,6% đối với nhóm giả dược (p= 0,059). Trước đó, Remdesivir đã được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng đối với bệnh nhân mắc virus Ebola nhưng cho hiệu quả còn hạn chế và tiếp tục được nghiên cứu trong các mô hình động vật đối với SARS-CoV và MERS-CoV.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online ngày 6-8, TS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) - cho biết tất cả các nghiên cứu đều cho thấy thuốc Remdesivir (nguồn gốc từ Mỹ) có tác dụng kháng virus. Tuy nhiên mức độ tương đối hạn chế, người bệnh mắc COVID-19 phải được sử dụng từ rất sớm, ở giai đoạn đầu khi mới phát triệu chứng (7 ngày đầu).
Còn đối với các ca nặng, các bác sĩ có thể sử dụng phối hợp để làm giảm tải lượng virus xuống, kéo giảm thời gian điều trị nhưng hoàn toàn không làm thay đổi kết cục sau cùng của quá trình điều trị (tức tỉ lệ tử vong). "Do đó thuốc này chỉ là một trong các vũ khí, không phải là cứu cánh lớn trong việc kéo giảm tỉ lệ bệnh nhân tử vong" - bác sĩ Hùng nói.
Theo bác sĩ Hùng, loại thuốc này khá "hiền" và dễ sử dụng, không quá nhiều vấn đề về chống chỉ định. Ở Việt Nam trước đây loại thuốc này có được sử dụng trên một số trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 nhưng ở giai đoạn muộn nên hiệu quả mang lại chưa cao.
Tại Việt Nam, Remdesivir được sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 thể trung bình và nặng theo hướng dẫn trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Tuần sau Việt Nam sẽ có khoảng 100.000 lọ thuốc Remdesivir Remdesivir là thuốc kháng virus do Công ty dược phẩm Cipla, Ấn Độ sản xuất dưới sự cho phép của Gilead Sciences, Mỹ. Loại thuốc này được FDA phê duyệt điều trị cho bệnh nhân COVID-19 từ tháng 10-2020. Hiện Remdesivir được 50 quốc gia như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị. Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, Ấn Độ sẽ cung cấp 1 triệu liều thuốc điều trị COVID-19 Remdesivir cho Việt Nam, trong 30 ngày tới. Đây là lô thuốc đầu tiên được Tập đoàn Vingroup đưa về TP.HCM. Dự kiến, đến tuần sau, sẽ có khoảng 100.000 lọ để phục vụ công tác chữa trị khẩn cấp. |
Theo tuoitre