Hiện đang là mùa thu hoạch quả gấc, đây là loại quả có mặt ở rất nhiều địa phương trong cả nước, hàm lượng dinh dưỡng có trong gấc cũng rất cao, tuy nhiên việc sử dụng trong đời sống ẩm thực lại chưa nhiều. Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, quả gấc không đơn giản chỉ là thực phẩm, nó còn là bài thuốc quý có rất nhiều tác dụng trong điều trị và hỗ trợ điều trị một số bệnh, điển hình là giúp làm sáng mắt, giảm đau xương khớp... 

Ông Trung cho rằng, thông thường mọi người vẫn coi cà rốt là “vua” của các loại củ, quả nếu so sánh về hàm lượng beta-carotene (tiền chất vitamin A). Đây là chất rất tốt cho mắt, giúp tăng cường thị lực, chống lão hóa mắt. Tuy nhiên, nếu so sánh carotene với gấc thì cà rốt chỉ là hạng “con cháu”.

Cà rốt tốt cho mắt nhưng so với gấc thì chỉ là còn thua xa.

Ông Trung dẫn chứng từ bảng Thành phần thực phẩm Việt Nam cho thấy, hai chất là beta-carotene và lycopene thì cà rốt đều thua xa gấc. Cụ thể: Trong 100g cà rốt phần ăn được có 8282mcg (microgam) beta-carotene và lycopene chỉ có 1mcg. Trong khi đó cùng trọng lượng là 100g, gấc có 21.756mcg beta-carotene, còn lycopene là 49.667mcg. Các chất dinh dưỡng khác, hàm lượng có trong cà rốt cũng không cao hơn so với gấc.

Vì lý do trên, ông Trung cho rằng mọi người nên tăng cường sử dụng gấc trong đời sống ẩm thực hàng ngày. Theo đó có thể dùng bằng cách kết hợp với các sản phẩm như nấu sốt vang, xôi gấc, dầu giấc, miến nhuộm màu từ gấc… đều có tác dụng. 

Nói về chất có hàm lượng rất cao trong gấc là beta - carotene, bác sĩ Nguyễn Thị Ly (Bệnh viện Medlatec) cho biết, beta-carotene rất tốt cho cơ thể, đây là tiền chất của vitamin A, khi vào cơ thể sẽ được chuyển sang dạng vitamin A để hấp thu và sử dụng.

Gấc có hàm lượng beta-caroten cao nhất trong các loại thực phẩm.

“Nhiều người biết rằng Beta - carotene có rất nhiều trong cà rốt, nên ăn nhiều loại củ này. Song thực tế trong gấc chứa lượng Beta - carotene cao gấp nhiều so với trong cà rốt. Vì thế sử dụng gấc hợp lý không những giúp sáng mắt, tăng sức đề kháng mà còn hỗ trợ phòng và điều trị các bệnh về mắt, suy dinh dưỡng và bệnh miễn dịch ở trẻ”, bác sĩ Ly chia sẻ.

Còn đối với chất lycopene, bác sĩ Ly cho biết hàm lượng có trong gấc cao hơn rất nhiều so với cà rốt, thậm chí là cà chua (loại quả có chứa hàm lượng lycopene cao với 3025mcg/100g cà chua ăn được). Theo bác sĩ Ly, lycopen là chất chống oxy hóa tốt, có thể ngăn ngừa sớm những tác nhân độc hại, có khả năng gây bệnh trong cơ thể và ngăn ngừa lão hóa. Lycopen trong gấc còn giúp dưỡng sáng da, giữ ẩm, hạ mỡ máu… 

Ngoài tốt cho mắt, gấc còn có nhiều tác dụng khác cho cơ thể. 

Khi sử dụng gấc, các chuyên gia khuyên nên tận dụng các bộ phận trong quả gấc, không nên chỉ ăn nguyên phần thịt gấc. Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, ngoài thịt gấc thì màng hạt gấc, thậm chí hạt gấc cũng rất có giá trị, là bài thuốc trong đông y. Lớp màng bao quanh hạt gấc chứa rất nhiều vitamin E, chất chống oxy hóa, chất chống lão hóa, ngừa sạm da, khô da, rụng tóc...

Hạt gấc cũng được coi là “tiên dược” vì có nhiều công dụng tốt. Hạt gấc có vị béo, hơi ngọt, tính mát, hơi độc, vào kinh can, chữa ung thũng, trùng nhạc, lở ngứa, u nhọt, quai bị, trĩ, sưng vú, tắc tia sữa... Thông thường, mọi người hay ngâm hạt gấc với rượu nặng đề xoa bóp ngoài ra, dùng khi té ngã, bị thương, sưng...

Dù gấc có nhiều tác dụng, các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng mức độ vừa phải, hợp lý tránh gây dư thừa vitamin A, khiến vitamin A tích lũy trong gan và không đào thải được ra ngoài, lâu dài có thể gây ngộ độc.

LÊ PHƯƠNG