Loại thực phẩm không ảnh hưởng đến nồng độ axit uric nếu ăn đúng tần suất
Cập nhật lúc 23:47, Thứ ba, 09/01/2024 (GMT+7)
Là thực phẩm giàu protein nhưng hàm lượng purin thấp, không ảnh hướng đến nồng độ axit uric trong máu nên trứng gà có thể được bổ sung vào chế độ ăn của người mắc bệnh gút.
|
|
Trứng gà giàu protein nhưng hàm lượng purin thấp nên không ảnh hưởng đến nồng độ axit uric trong máu. Ảnh: Kiều Vũ |
Hàm lượng protein trong trứng gà là protein chuẩn có chứa rất nhiều loại axit amin thiết yếu, nhưng lại chứa rất ít hàm lượng purin (dưới 50mg/100g thực phẩm) nên không ảnh hưởng nếu bổ sung lượng vừa phải vào chế độ ăn. Bên cạnh đó trứng gà cũng có tác dụng với chế độ ăn giảm cân.
Trong trứng gà ngoài nguồn protein chất lượng còn chứa các nguồn axit béo omega - 3 phong phú và nhiều loại Vitamin B thiết yếu. Trứng gà cũng chứa nhiều lecithin - một chất béo tốt có khả năng điều hòa được lượng cholesterol có trong máu. Vì vậy người bị bệnh lý tim mạch cũng có thể ăn với chế độ 4 quả trứng gà/ tuần. Còn người bị gút có thể ăn được trứng gà với tần suất không quá 7 quả/ tuần.
Ngoài trứng gà, người mắc bệnh gút có thể bổ sung thêm 1 số loại khác như trứng ngan, vịt, cút, ngỗng,... để đa dạng hơn cho khẩu phần ăn. Nhưng người bệnh gút không nên ăn trứng lộn. Vì mặc dù có chứa hàm lượng purin thấp nhưng trứng lộn lại chứa hàm lượng cholesterol cao, mà hàm lượng cholesterol cũng là một yếu tố nguy cơ đối với người bị bệnh gút.
Người bị gút chú ý trong chế biến trứng và cách kết hợp giữa trứng với các thực phẩm khác. Đó là trứng gà cần luộc chín để bảo tồn dưỡng chất bên trong trứng. Hạn chế sử dụng trứng chiên hoặc trứng xào vì trong dầu, mỡ có chứa nhiều chất béo, khi dung nạp vào cơ thể một lượng chất béo lớn sẽ làm tích tụ gây xơ vữa động mạch. Nên ăn kèm trứng với rau xanh, trái cây tươi, cốc sữa tươi để gia tăng giá trị dinh dưỡng.
Theo laodong