|
|
Hầu hết bệnh viêm gan B được phát hiện khi đã tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư. Ảnh: Shutterstock. |
Giáo sư Yuen Man-Fung, Trưởng khoa Tiêu hóa và Gan tại Khoa Y của HKU, cho biết sau nhiều thử nghiệm lâm sàng trong thành phố về loại thuốc mới chữa viêm gan B, họ đã giúp 1/10 bệnh nhân được điều trị chức năng và hy vọng đạt được tỷ lệ thành công 30%.
Giáo sư Yuen chia sẻ loại thuốc này không thể hoàn toàn loại bỏ virus viêm gan B, nhưng nó giúp bệnh nhân điều trị chức năng bằng cách ức chế tối đa tải lượng của virus.
“Virus viêm gan B là một trong những loại virus thông minh nhất trên thế giới. Kháng nguyên trên bề mặt virus có thể khiến hệ thống miễn dịch của bạn ngủ yên. Thuốc của chúng tôi có khả năng đánh thức hệ thống miễn dịch, để nó tự làm việc chống lại virus”, giáo sư Yuen, Giám đốc nghiên cứu, cho biết.
Nhóm 8 nhà nghiên cứu của HKU bao gồm ông Yuen bắt đầu thử nghiệm loại thuốc này vào năm 2017. Phát hiện của họ được công bố vào tháng 11 trên tạp chí Y học New England.
Quá trình nghiên cứu
Theo South China Morning Post, 7,8% dân số Hong Kong, tương đương 570.000 người, bị nhiễm viêm gan B nhưng hầu hết bệnh chỉ được phát hiện khi đã tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư.
Các phương pháp điều trị hiện tại có thể làm giảm nguy cơ biến chứng và tử vong, nhưng bệnh nhân phải dùng thuốc suốt đời. Một số loại thuốc giúp bệnh nhân đạt được hiệu quả điều trị chức năng sau 3-7 năm, nhưng tỷ lệ thành công thấp và bệnh nhân có thể bị tác dụng phụ.
Nhóm nghiên cứu của giáo sư Yuen nhắm đến việc phát triển loại thuốc ức chế virus trong thời gian dài với việc điều trị không quá 2 năm. Do đó, bệnh nhân có thể ngừng dùng thuốc với nguy cơ tái phát thấp nhất.
|
|
Theo giáo sư Yuen Man-Fung, virus viêm gan B là một trong những loại virus thông minh nhất trên thế giới. Ảnh:South China Morning Post. |
Họ bắt đầu thử nghiệm loại thuốc này vào năm 2017 tại Bệnh viện Queen Mary. Trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ hai từ năm 2020 đến năm nay, 457 bệnh nhân được tiêm thuốc hàng tuần trong 6 tháng.
Khoảng 9-10% bệnh nhân trong 6 tháng sau đó không phát hiện virus. Đối với một số người lớn tuổi, có hệ thống miễn dịch ít bị ảnh hưởng bởi virus, tỷ lệ thành công dao động 16-25%. Ngoài ra, không có tác dụng phụ đáng kể nào được ghi nhận ngoại trừ việc bị đau khi tiêm.
Mặc dù bệnh nhân chỉ được theo dõi trong 6 tháng sau khi điều trị, ông Yuen cho hay tải lượng virus thấp có khả năng tồn tại, trừ khi họ trải qua các phương pháp điều trị khác ức chế hệ thống miễn dịch.
“Chúng tôi đã đạt được tỷ lệ thành công 10%, nhưng sẽ không dừng lại ở đây. Trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba, chúng tôi sẽ kết hợp phương pháp điều trị với các loại thuốc khác như liệu pháp cocktail”, ông Yuen nói.
Nhóm đang nỗ lực hướng tới mục tiêu được các chuyên gia quốc tế chấp nhận là 30%. Giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba sẽ có sự tham gia của vài trăm bệnh nhân ở các quốc gia châu Á có tỷ lệ nhiễm viêm gan B cao. Ông Yuen hy vọng loại thuốc này sẽ có sẵn sau 3-5 năm nữa.
Nỗ lực loại bỏ viêm gan ở Hong Kong
Các cơ quan y tế Hong Kong trước đó đã đặt mục tiêu loại bỏ viêm gan như mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030. Đây cũng là mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Để đạt được điều đó, tỷ lệ chẩn đoán phải ở mức 90%, tỷ lệ điều trị 80%, giảm 90% ca mắc mới và giảm 65% ca tử vong.
Tuy nhiên, ông Yuen cho biết Hong Kong sẽ không thể đạt được mục tiêu này nếu không sàng lọc toàn diện cho bệnh nhân.
Ông đề nghị người có tiền sử gia đình mắc bệnh gan và người sinh trước năm 1988, năm tất cả trẻ sơ sinh bắt đầu được tiêm vaccine, nên được ưu tiên sàng lọc.
“Chỉ riêng tại Bệnh viện Queen Mary, chúng tôi đã tiếp nhận tới 400 bệnh nhân viêm gan B mỗi tuần. Nếu chúng tôi xác định được tất cả 570.000 bệnh nhân ở Hong Kong, làm thế nào hệ thống y tế có thể đáp ứng đủ?”, ông Yuen nói.
Ngoài ra, theo ông, ban chỉ đạo phòng chống viêm gan đã trao đổi với các bác sĩ gia đình để trang bị kiến thức cho họ trong việc điều trị lây nhiễm cộng đồng.
Bệnh nhân viêm gan trong tình trạng ổn định chiếm đa số nên họ có thể được điều trị tại các cơ sở chăm sóc ban đầu thay vì đến bệnh viện công. Điều này sẽ giúp rút ngắn thời gian chờ đợi để gặp bác sĩ chuyên khoa và các bệnh viện có thể tập trung điều trị cho người bị bệnh nặng hơn.
Theo zingnews