Trà là một trong những đồ uống phổ biến trên khắp thế giới và được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Một trong những loại trà được dùng nhiều nhất là trà xanh.
Tuy nhiên ở Nhật Bản - quốc gia nổi tiếng về tuổi thọ cao ngoài trà xanh còn đặc biệt ưa thích dùng một loại trà mà không nhiều nước sử dụng đó là trà lúa mạch. Ở Nhật, trà lúa mạch được gọi là mugicha.
Trà lúa mạch được sử dụng phổ biến không kém trà xanh và gần như mọi bữa ăn của người Nhật đều dùng loại trà này. Vào mùa hè, trà lúa mạch lạnh là đồ uống rất được yêu thích và vào mùa đông, cốc trà lúa mạch nóng vẫn là món đồ uống được dùng nhiều.
Lúa mạch rang là thành phần chính trong trà lúa mạch. Lúa mạch là một loại ngũ cốc nguyên hạt được trồng trên khắp thế giới. Lúa mạch phổ biến với những người ăn uống lành mạnh vì hàm lượng chất xơ cao và hương vị nhẹ. Hương vị của trà lúa mạch thường được mô tả là nhẹ và giống như mùi gỗ, hạt dẻ, đôi khi có chút đắng.
|
|
Trà lúa mạch được sử dụng phổ biến không kém trà xanh và gần như mọi bữa ăn của người Nhật đều dùng loại trà này. (Ảnh minh họa) |
Trà lúa mạch có tác dụng gì?
Trà lúa mạch không phải là "trà" theo nghĩa truyền thống và không được làm từ lá của cây chè (trà) như trà đen hoặc trà xanh. Nó chỉ được ủ từ lúa mạch nên hoàn toàn không chứa caffein. Caffein là chất vừa có tác động tiêu cực lẫn tích cực tới sức khỏe và có thể gây nghiện.
Một số tác dụng phụ liên quan đến việc sử dụng quá nhiều caffeine bao gồm lo lắng, bồn chồn, run rẩy, nhịp tim không đều và khó ngủ. Quá nhiều caffeine cũng có thể gây đau đầu, đau nửa đầu, huyết áp cao, gây ảo giác, nôn hoặc có thể dẫn đến tử vong do co giật.
Đây có thể xem là ưu điểm của trà lúa mạch vượt trội hơn trà xanh vì bạn có thể uống khá thoải mái mà không sợ bị tác động tiêu cực từ caffein.
Y học cổ truyền đã sử dụng trà lúa mạch để chống tiêu chảy, mệt mỏi và viêm nhiễm. Sau đây là những lợi ích của việc uống trà lúa mạch theo y học hiện đại:
Cải thiện giấc ngủ
Lúa mạch chứa hàm lượng melatonin đáng kể. Melatonin là một loại hormone được tìm thấy tự nhiên trong cơ thể và được biết đến với tác dụng thúc đẩy giấc ngủ chất lượng. Mặc dù các nhà nghiên cứu chưa nghiên cứu tác dụng của trà lúa mạch đối với giấc ngủ, nhưng sự hiện diện của melatonin cho thấy loại trà này có thể hỗ trợ giấc ngủ hiệu quả.
Sức khỏe răng miệng
Trong một nghiên cứu, những người uống trà lúa mạch thường xuyên có ít mảng bám trên răng và mức độ vi khuẩn xấu trong nước bọt thấp hơn so với những người không uống trà. Cụ thể, chúng có lượng liên cầu khuẩn và lactobacilli thấp hơn.
Ít calo
Trà lúa mạch về cơ bản là không chứa calo. Do đó, nó là một loại nước thay thế lành mạnh và có hương vị, đặc biệt nếu bạn đang cố gắng giảm cân - với điều kiện là bạn không uống nó với sữa, kem hoặc chất làm ngọt.
Giàu chất chống oxy hóa
Trà lúa mạch rất giàu chất chống oxy hóa. Chất chống oxy hóa là các hợp chất thực vật giúp ngăn ngừa các gốc tự do gây hại cho tế bào của bạn. Các gốc tự do là các phân tử có hại có thể gây viêm và thúc đẩy rối loạn chức năng tế bào nếu chúng tích tụ trong cơ thể bạn.
Một số chất chống oxy hóa đã được xác định trong trà lúa mạch, bao gồm axit chlorogenic và vanillic, có thể hỗ trợ kiểm soát cân nặng bằng cách tăng lượng chất béo mà cơ thể bạn đốt cháy khi nghỉ ngơi. Những chất chống oxy hóa này cũng có tác dụng chống viêm.
Trà lúa mạch cũng là nguồn cung cấp quercetin, một chất chống oxy hóa mạnh có thể cải thiện sức khỏe tim mạch, huyết áp và sức khỏe não bộ.
Có thể có đặc tính chống ung thư
Là một loại ngũ cốc nguyên hạt giàu chất chống oxy hóa, lúa mạch có khả năng mang lại lợi ích ngăn ngừa ung thư.
Một nghiên cứu về canh tác lúa mạch trong khu vực và tỷ lệ tử vong do ung thư ở Trung Quốc đã quan sát thấy rằng việc trồng và tiêu thụ lúa mạch càng ít thì tỷ lệ tử vong do ung thư càng cao. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ung thư là do ăn ít lúa mạch.
Cần có thêm nhiều nghiên cứu trên người về lợi ích chống ung thư tiềm tàng của trà lúa mạch.
Trà lúa mạch khá an toàn để uống, trừ khi bạn bị bệnh celiac. Giống như lúa mì, lúa mạch có chứa gluten, vì vậy những người ăn kiêng không chứa gluten nên tránh uống trà lúa mạch.
HOÀNG DƯƠNG