|
|
Anh H. luôn cố gắng tận dụng thời gian du lịch, nghỉ ngơi để tắm nắng. Ảnh: NVCC. |
Sau một mùa đông kéo dài bất thường, chuỗi ngày âm u và những cơn mưa rào của Hà Nội mới thực sự chấm dứt. Trái ngược với sự khó chịu của đa số người dân, anh T.T.H. (30 tuổi, trú tại Long Biên) tận dụng cái nắng gay gắt lúc 12h để… nhuộm da.
“Từng có thời gian học và làm việc ở nước ngoài, có lẽ sở thích của tôi cũng phần nào bị ảnh hưởng. Tôi rất thích màu da ngăm nâu rám nắng, không giống gu của đa số người Việt”, anh H. chia sẻ.
Anh H. tâm sự khi còn ở Pháp, do sống gần biển, với khí hậu phù hợp, anh thường xuyên cùng bạn bè đi bộ ra bãi biển tắm nắng. Khi trở về quê nhà ở Hà Nội, do điều kiện không cho phép, anh chỉ có thể tranh thủ khi mùa hè tới. Địa điểm tắm nắng giờ đây phải đổi thành sân thượng.
Dẫu vậy, những bất lợi này cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến kết quả anh H. nhận được. Bên cạnh việc tranh thủ tắm nắng vào buổi trưa, anh H. cũng nhờ một số người bạn đặt mua giúp các sản phẩm dầu phơi nắng và xịt chống nắng chất lượng, qua đó tạo cho làn da được đều màu, an toàn.
Ngoài ra, anh H. cũng tận dụng mọi cơ hội để tắm nắng khi có dịp đi du lịch cùng gia đình, công ty. “Tôi rất vui với màu da hiện có. Nhiều khách hàng, bạn bè cũng khen và hỏi tôi về bí quyết, cách làm”, anh H. chia sẻ.
Tốt nhưng cần cẩn trọng
Trả lời Zing, tiến sĩ, bác sĩ Vũ Nguyệt Minh, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm Lâm sàng, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội), nhận định bản chất của ánh nắng rất tốt cho da.
“Ánh nắng mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể và da như tổng hợp vitamin D, hỗ trợ cơ thể tiết ra các loại hormone làm tăng khả năng làm việc, giảm nguy cơ trầm cảm,...”, vị chuyên gia cho biết.
Tuy nhiên, bác sĩ Minh nhấn mạnh việc tắm nắng hay nhuộm da cũng có khá nhiều nguy cơ và yêu cầu người thực hiện phải cẩn trọng trong suốt quá trình này.
Cụ thể, nguy cơ thường gặp nhất ở những người hay tắm nắng, nhuộm da là bỏng nắng. Tình trạng này xuất hiện khi da phải tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, dẫn đến bỏng. Vết bỏng này có thể tạo ra những tổn thương dạng cấp tính như đỏ, chảy dịch, ngứa, bong vảy,...
|
|
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Nguyệt Minh, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm Lâm sàng, Bệnh viện Da liễu Trung ương. Ảnh: BSCC. |
Một nguy cơ khác lớn hơn ở dạng mạn tính là ung thư da. Bác sĩ Minh lưu ý việc tắm nắng nhiều lần kéo dài hoặc thực hiện khi còn nhỏ (dưới 18 tuổi) sẽ mang đến nguy cơ phát triển thành ung thư da.
“Bệnh lý này không xảy ra ngay lập tức sau khi tắm nắng. Thay vào đó, ở những người thường xuyên tắm nắng không đúng cách, sau nhiều năm, tỷ lệ ung thư da của họ sẽ tăng lên”, vị chuyên gia cảnh báo
Lưu ý với các sản phẩm nhuộm da
Bên cạnh ảnh hưởng từ ánh nắng mặt trời, một trong những vấn đề người tắm nắng, nhuộm da cần lưu tâm là các sản phẩm dùng kèm theo.
Cụ thể, hiện nay trên thị trường xuất hiện rất nhiều sản phẩm có công dụng nhuộm da. Một trong số đó là các sản phẩm dùng tại chỗ ở dạng thoa, xịt. Các chất này giúp tạo màu da nâu hơn, nhuộm da mà không đòi hỏi tắm nắng.
Bác sĩ Vũ Nguyệt Minh giải thích: “Thành phần chính của những sản phẩm này là DHA, tên đầy đủ là Dihydroxyacetone. Chúng có tác dụng phản ứng với các tế bào sừng, phần ngoài cùng của da. Sau phản ứng, da sẽ chuyển màu và tạo trên bề mặt da một màu sậm hơn. Tùy tính chất của phần da ban đầu ở người dùng, chúng sẽ có tông màu chuyển từ cam sang nâu”.
Với công dụng đó, một số cơ sở làm đẹp cung cấp phương pháp tắm nắng, buồng nhuộm da sẽ bổ sung sản phẩm này để khách hàng tạo được màu da đẹp, không bị nham nhở nhưng vẫn có thể giảm nguy cơ từ ánh nắng trực tiếp.
Tuy nhiên, trên thực tế, người thực hiện sẽ không dùng riêng các sản phẩm này. Thay vào đó, họ sẽ phối hợp chúng cùng các phương pháp tắm nắng, nhuộm da trong buồng,... để màu da đẹp và đều hơn.
Về cơ bản, bác sĩ Minh cho rằng bản thân các sản phẩm này không có nhiều nguy cơ với sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, khi sử dụng, chúng ta cũng cần lưu ý một số vấn đề.
“Ở dạng thoa, xịt, việc không may để các chất này dính vào mắt, niêm mạc hay những vùng dễ ngấm vào trong cơ thể có thể gây ra vấn đề về kích ứng. Do đó, chúng ta nên đặc biệt chú ý khi xịt lên da mặt, tránh vùng mắt,...”, vị chuyên gia lưu ý.
Ngoài ra, bác sĩ này cũng cho rằng nguy cơ chính thường không đến từ sản phẩm nhuộm da. Thông thường, các cơ sở thẩm mỹ sẽ cung cấp song song 2 dịch vụ cùng lúc là sản phẩm nhuộm màu và áp dụng tắm nắng, nằm giường, buồng tiếp xúc với tia UV. Điều đáng lưu ý là trong các sản phẩm này thường không chứa chất chống nắng.
“Do đó, đây là một cách gián tiếp làm tăng nguy cơ ung thư da, bỏng nắng do người thực hiện tiếp xúc với tia UV mà không có kem chống nắng”, bà nhấn mạnh.
Đây cũng là lý do người tắm nắng, nhuộm da được khuyến cáo sau khi sử dụng dầu nhuộm da vẫn cần dùng kèm kem chống nắng để giảm thiểu nguy cơ.
Ngoài ra, bác sĩ Vũ Nguyệt Minh lưu ý thêm trên thị trường còn một dạng sản phẩm viên uống tạo màu da. Bản chất các sản phẩm này thường chứa Canthaxanthin. Sau khi uống, da sẽ tự đổi màu, không cần bôi ngoài.
“Tuy nhiên, sản phẩm này không an toàn và liên quan các bệnh lý võng mạc, gan, thận,... Do đó, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) không khuyến cáo sử dụng sản phẩm này”, vị chuyên gia nói.
Bảo vệ da như thế nào khi tắm nắng?
Bản chất của việc tắm nắng, nhuộm da là chúng ta chủ ý tiếp xúc với ánh nắng nhiều, qua đó tạo màu da đều. Như đã nêu trên, nguy cơ lớn nhất trong quá trình này là bỏng nắng và ung thư da giai đoạn muộn về lâu dài.
Do đó, để giảm nguy cơ cho sức khỏe, bác sĩ Vũ Nguyệt Minh khuyến nghị người thực hiện không nên tắm nắng với cường độ quá dày, nhiều lần, khiến da tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng.
“Thay vào đó, chúng ta chỉ nên tắm nắng ở mức độ phù hợp, đảm bảo màu da thẩm mỹ mong muốn nhưng không gây bỏng hay tiếp xúc với nắng quá nhiều”, vị chuyên gia lưu ý.
Tùy cường độ ánh nắng và các thiết bị buồng chiếu tia UV khác nhau, chúng ta sẽ có những khuyến cáo sử dụng trong thời gian bao lâu. Bác sĩ Minh nêu ví dụ vào mùa hè, giới hạn thời gian tắm nắng phải ngắn hơn mùa đông để tránh bị bỏng. Khi bỏng nắng, nguy cơ ung thư da cũng cao hơn.
|
|
Kem chống nắng được khuyến cáo sử dụng trong mọi trường hợp, dù tắm nắng hay nhuộm da. Ảnh minh họa: batch. |
Ngoài ra, người thực hiện cũng được khuyến cáo liên tục bảo vệ mắt, môi và niêm mạc để tránh tác động tiêu cực từ ánh nắng.
“Với da, tác động của ánh nắng có thể không quá lớn. Tuy nhiên, với mắt, vấn đề có thể sẽ nguy hiểm hơn. Do đó, chúng ta cần đảm bảo đeo kính chống nắng tốt, đồng thời bảo vệ vùng mô, niêm mạc, phần da mỏng. Ví dụ bằng cách bôi kem chống nắng lên vùng đó”, vị chuyên gia nói.
Trong trường hợp không may đã bị bỏng nắng, trên thị trường cũng có nhiều sản phẩm phục hồi da. Bản chất của các sản phẩm này là chứa thành phần dưỡng ẩm mạnh, hồi phục lớp sừng và đảm bảo da không bị bỏng nắng quá mạnh.
Về khung giờ, bác sĩ Minh thông tin thêm khoảng đầu giờ sáng, trưa, hay chiều đều có mức độ tia UV A tương đương. Tuy nhiên, lượng tia UV B vào buổi trưa sẽ cao hơn.
Do đó, dù hiệu quả nhuộm da cao, nguy cơ bỏng và ung thư khi tắm nắng vào buổi trưa cũng lớn hơn khi da bị tác động mạnh bởi cả tia UV A và UV B.
Từ đây, khi tắm vào khung giờ nắng mạnh như buổi trưa, người thực hiện cũng cần hạn chế thời gian để tránh bỏng.
Theo zingnews