leftcenterrightdel
Lợi ích đối với cơ thể khi giảm chất tạo ngọt nhân tạo. Đồ hoạ: Ngọc Thuỳ 

Chất tạo ngọt nhân tạo là những chất tổng hợp hóa học được sử dụng làm chất thay thế đường, nhưng chúng cũng không phải là lựa chọn lành mạnh hơn đường.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) và Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), bạn nên thận trọng khi sử dụng quá nhiều chất tạo ngọt nhân tạo, vì tác động lâu dài của chúng vẫn chưa chắc chắn và một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ tiềm ẩn với bệnh béo phì, hội chứng chuyển hóa và bệnh tiểu đường.

Việc sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo được coi là an toàn nếu được thực hiện ở mức độ vừa phải. Tính đến thời điểm hiện tại, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt năm chất tạo ngọt nhân tạo: aspartame, acesulfame-K, neotame, cyclamate và alitame. Tuy nhiên, nếu bạn hạn chế sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo có thể có lợi ở một số khía cạnh nhất định. Ngoài ra, bạn có thể thấy một số thay đổi đối với cơ thể.

Thay đổi vị giác

Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Permanente, chất tạo ngọt nhân tạo có thể làm thay đổi vị giác và nhận thức của chúng ta về vị ngọt.

Trên thực tế, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người tham gia loại bỏ đường bổ sung và chất tạo ngọt nhân tạo trong hai tuần đã báo cáo có độ nhạy cảm cao hơn với vị ngọt ở cả đồ ăn và đồ uống ngọt, cũng như trong các loại thực phẩm khác.

Do đó, việc sử dụng chất tạo ngọt mạnh trong thời gian dài có thể làm mất cảm giác vị giác và thay đổi nhận thức về vị ngọt.

Giảm cơn thèm đường

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Sinh học và Y học Yale chỉ ra rằng, chất tạo ngọt nhân tạo làm tăng cảm giác thèm đồ ăn và đồ uống có đường.

Điều này là do chúng tạo ra cho vị giác một mức độ ngọt nhất định, khiến các loại thực phẩm ngọt tự nhiên có vẻ kém thỏa mãn hơn. Do đó, những chất tạo ngọt này có thể dẫn đến tăng lượng tiêu thụ và cuối cùng là tăng cân.

Để giải quyết vấn đề này, bạn có thể cắt giảm đường và chất tạo ngọt nhân tạo khỏi chế độ ăn uống, điều này có thể giúp giảm cảm giác thèm đồ ăn và đồ uống có đường khi cơ thể thích nghi với mức độ ngọt thấp hơn.

Sức khỏe đường ruột tốt hơn

Giảm lượng đường và chất tạo ngọt nhân tạo có thể có tác động có lợi đến sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột của bạn.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), một số chất tạo ngọt nhân tạo, chẳng hạn như saccharin, sucralose và aspartame, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thành phần của hệ vi khuẩn đường ruột. Do đó, những chất tạo ngọt này có thể dẫn đến mất cân bằng được gọi là loạn khuẩn.

Loạn khuẩn có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm viêm, rối loạn chuyển hóa glucose và tăng cân. Do đó, bằng cách cắt giảm chất tạo ngọt nhân tạo, bạn có thể hỗ trợ một môi trường đường ruột khỏe mạnh hơn.

Theo laodong