Đậu bắp còn có nhiều tên gọi khác như mướp tây, bông vàng, bắp chà hay thảo cà phê, okra (Anh), tên khoa học cũ gọi là Hibicus enculentus L... Đây là loại đậu có nguồn gốc từ Tây Phi.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, hiếm có loại thực phẩm nào đặc biệt như đậu bắp. Nó vừa là quả, vừa là rau, khi ăn có vị ngọt bùi, hơi nhớt nhưng lại giòn rất thú vị.
Theo Đông y, đậu bắp có tính chua, dịu mát, có tác dụng giảm đau và làm dịu trong các bệnh như lậu, bí tiểu tiện, bạch đới, táo bón. Ăn đậu bắp thường xuyên có thể giúp tiêu hóa tốt và tăng cường sức đề kháng.
Theo y học hiện đại, trong 100gr đậu bắp sẽ có khoảng:
Năng lượng: 30kcal
Carbohydrate: 7,6g
Chất xơ: 3,2g
Chất béo: 0,1g
Protein: 2g
Vitamin A: 0,198 mg
Vitamin B9 hoặc folate: 87,8g
Vitamin C: 21mg
Canxi: 75mg
Magie: 57mg.
Đậu bắp còn giúp đáp ứng nhu cầu vitamin K, mangan, folate, phốt pho… của cơ thể. Nhờ những giá trị dinh dưỡng có trong đậu bắp, các bác sĩ khuyên mẹ bầu nên thường xuyên sử dụng loại thực phẩm này. Ăn đậu bắp giúp hỗ trợ thai nhi phát triển khỏe mạnh.
Tác dụng của đậu bắp với bà bầu
1. Phòng ngừa dị tật thai nhi
Đậu bắp chứa nhiều folate. Nghiên cứu dinh dưỡng cho thấy 1/2 chén đậu bắp nấu chín tương đương với 36,5 mg axit folic. Một chén đậu bắp sống chứa đến 87,8 mg axit folic. Đây là chất dinh dưỡng cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể. Đặc biệt đối với những phụ nữ mang thai, axit folic cực kỳ quan trọng vì giúp phòng ngừa khuyết tật ống thần kinh và các dị tật bẩm sinh khác ở thai nhi.
Các bác sĩ khuyến khích bà bầu nên ăn đậu bắp khi thai nhi 4 tuần tuổi đến khi thai nhi 12 tuần. Vì đây là lúc các ống thần kinh của bé bắt đầu phát triển và axit folic từ quả đậu bắp sẽ hỗ trợ cho quá trình này.
2. Chống táo bón
Đậu bắp nhiều chất xơ hòa tan và không hòa tan. Mẹ bầu ăn đậu bắp sẽ giúp giảm táo bón khi mang thai. Ngoài ra còn có tác dụng giảm nguy cơ mắc phải bệnh đái tháo đường, thậm chí giảm cholesterol trong máu.
Ngoài ra, chất nhầy có nhiều trong đậu bắp giúp cân bằng và điều chỉnh lượng đường huyết bằng cách điều hòa sự hấp thu của chúng từ ruột non.
3. Đậu bắp giàu vitamin c giúp hấp thu sắt tốt hơn
Vitamin C trong quả đậu bắp có tác dụng hỗ trợ sự hấp thu chất sắt, từ đó thúc đẩy sự phát triển da, xương và mao mạch của thai nhi, giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch hoặc bệnh đái tháo đường ở trẻ nhỏ trong tương lai. Ngoài ra, bà bầu ăn đậu bắp cũng giúp hệ miễn dịch được tăng cường, tránh việc gặp phải những bệnh vặt.
4. Làm đẹp tóc, da cho bà bầu
Khi mang bầu, nội tiết tố thay đổi, mẹ bầu hay gặp phải tình trạng bị rụng tóc, da nổi mụn, kém mịn màng, hồng hào. Sử dụng đậu bắp thường xuyên sẽ giúp chị em có được làn da đẹp, mịn màng. Bởi loại quả này chứa nhiều vitamin A, vitamin C, calci, kali, magne.
5. Giúp bà bầu ngủ ngon
Các axit amin thiết yếu như tryptophan có trong đậu bắp cùng với các loại dầu và protein được biết đến có tác dụng cải thiện sức khỏe tinh thần và hỗ trợ mẹ bầu có được giấc ngủ chất lượng.
6. Xua tan mệt mỏi khi mang thai
Trong hạt đậu bắp chứa các chất như polyphenol với khả năng chống oxy hóa và flavonoid giúp thúc đẩy sự dự trữ glycogen trong gan. Glycogen được ví như nhiên liệu dữ trữ của cơ thể, mẹ bầu sẽ cảm thấy bớt mệt mỏi hơn so với thường ngày.
7. Loại bỏ độc tố khỏi cơ thể
Các chất nhầy, chất xơ trong đậu bắp có tác dụng ổn định đường huyết, đẩy các độc tố ra ngoài cơ thể.
8. Trợ thủ đắc lực giảm cân sau sinh
Với lượng chất xơ dồi dào bao gồm cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan, cùng lượng calorie thấp nên đậu bắp là thức ăn lý tưởng cho các mẹ sinh xong đang muốn giảm cân.
Mẹ bầu ăn đậu bắp cần lưu ý gì?
- Hãy sơ chế kỹ càng loại quả này trong nước trước khi sử dụng. Đậu bắp rất phổ biến nhưng bạn nên ưu tiên mua ở những nơi uy tín, thực phẩm sạch.
- Không nên ăn đậu bắp khi đói.
- Không sử dụng quá nhiều và trong thời gian dài vì có thể gây tác dụng phụ.
|
Hướng Dương HT