1. Quả lựu có hàm lượng chất chống oxy hóa đặc biệt cao
Lựu là loại trái cây rất giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa. Dinh dưỡng từ quả lựu có thể giúp điều trị các yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh, bao gồm tăng huyết áp, cholesterol cao, stress oxy hóa, tăng đường huyết và các dấu hiệu viêm.
Theo phân tích thành phần dinh dưỡng, trong một quả lựu (khoảng 282g) cung cấp 234 calo, 4,7g protein, 52,7g carbohydrate và 3,3g chất béo. Hạt lựu là một nguồn chất xơ rất tốt và giàu kali, phốt pho, magie và canxi.
Đặc biệt, lựu có hàm lượng chất chống oxy hóa polyphenol dồi dào, nhất là trong nước ép. Nước ép lựu chứa chất chống oxy hóa ở mức cao hơn nhiều loại nước ép trái cây khác và nó chứa lượng chất chống oxy hóa gần gấp ba lần so với trà xanh hoặc rượu vang đỏ.
Trong một cốc nước ép lựu chứa khoảng:
- Lượng calo: 134
- Tổng lượng carbohydrate: 32,6g
- Chất xơ: 0,2g
- Đường: 31,4g
- Tổng chất béo: 0,7g
- Chất đạm: 0,4g
- Natri: 22,4mg (1% DV-giá trị hằng ngày)
- Vitamin K: 25,9mcg (22% DV)
- Folate: 59,8mcg (15% DV)
- Kali: 533mg (11% DV)
- Đồng: 0,1mg (11% DV)
- Mangan: 0,2mg (9% DV)
- Vitamin E: 0,9mg (6% DV)
- Vitamin B6: 0,1mg (6% DV)
- Magie: 17,4mg (4% DV)
- Niacin: 0,6mg (4% DV)
- Canxi: 27,4mg (2% DV)
- Phốt pho: 27,4mg (2% DV)
2. Nước ép lựu có lợi cho sức khỏe tim mạch như thế nào?
Nước ép lựu là loại nước ép trái cây giàu polyphenol có khả năng chống oxy hóa cao. Polyphenol giúp bảo vệ cơ thể và trung hòa các gốc tự do gây hại cho tế bào. Nếu không có chất chống oxy hóa để trung hòa các gốc tự do, các tế bào sẽ bị hư hại, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như đái tháo đường, bệnh tim và ung thư.
Do đó, việc bổ sung chất chống oxy hóa polyphenol trong chế độ ăn uống có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Polyphenol có thể cải thiện nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh tim, bao gồm: Hạ huyết áp, giảm cholesterol LDL (cholesterol xấu), tăng cholesterol HDL (cholesterol tốt), ngăn ngừa cục máu đông.
Vì nước ép lựu rất giàu chất chống oxy hóa nên đã thúc đẩy các nghiên cứu về tác dụng của nó đối với sức khỏe tim mạch. Trong các nghiên cứu hạn chế trên mô hình người và chuột, nước ép lựu đã được chứng minh là có tác dụng chống xơ vữa động mạch, chống oxy hóa, hạ huyết áp và chống viêm đáng kể.
Nước ép lựu làm giảm đáng kể các vùng tổn thương xơ vữa động mạch ở chuột suy giảm miễn dịch và độ dày lớp nội mạc ở bệnh nhân tim đang dùng thuốc. Nó cũng làm giảm quá trình peroxid hóa lipid ở bệnh nhân đái tháo đường type 2, huyết áp tâm thu và hoạt động của men chuyển angiotensin trong huyết thanh ở bệnh nhân tăng huyết áp.
Các nghiên cứu nhỏ dường như cho thấy rằng uống nước ép lựu có thể làm giảm cholesterol, nhưng nhìn chung các bằng chứng vẫn chưa rõ ràng. Người ta cho rằng nước ép lựu có thể ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình tích tụ cholesterol trong động mạch của những người có nguy cơ mắc bệnh tim. Theo nghiên cứu, các chất chống oxy hóa trong nước ép lựu có thể giúp giữ cholesterol ở dạng ít gây hại hơn và cũng có thể làm giảm mảng bám tích tụ trong mạch.
Trong một nghiên cứu về những người đàn ông khỏe mạnh, các nhà nghiên cứu từ Israel kết luận rằng nước ép lựu làm giảm LDL (loại cholesterol hình thành mảng bám) và cải thiện HDL (loại cholesterol tốt)
Các nghiên cứu khác cho thấy uống nước ép lựu thường xuyên giúp cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch, làm chậm sự tiến triển của mảng bám tích tụ trên động mạch và tăng cường khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu lâm sàng sâu hơn để biết chính xác lợi ích mà nước ép lựu có thể mang lại đối với sức khỏe tim mạch và cũng cần lưu ý cách sử dụng nước ép lựu một cách hiệu quả và an toàn.
3. Cách sử dụng nước ép lựu an toàn
Ăn trái cây và uống nước ép trái cây là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên để an toàn nhất và tận dụng được tối đa lợi ích dinh dưỡng từ quả lựu, bạn nên chọn quả lựu tươi và bảo quản đúng cách. Bạn có thể giữ quả lựu ở nhiệt độ phòng trong một tuần hoặc có thể bảo quản trong tủ lạnh 1 tháng. Nếu đã tách hạt, cần phải bảo quản trong tủ lạnh.
Hạt lựu tươi thường để trong tủ lạnh tối đa 3 ngày. Nếu đã ép mà không uống hết, bạn cần đông lạnh nó để giữ được hương vị. Nên uống nước ép lựu nguyên chất 100% và không thêm đường.
Cần lưu ý, không nên lạm dụng bất kỳ loại nước trái cây nào, kể cả nước ép lựu, đặc biệt với người bệnh đái tháo đường vì uống nhiều nước ép cũng có nghĩa là đã tiêu thụ hàm lượng đường cao hơn.
Vì nước ép lựu có thể ảnh hưởng đến huyết áp nên nếu người có biểu hiện huyết áp thấp nên thận trọng. Những người bị dị ứng với lựu nên tránh tiêu thụ nước ép lựu, hạt lựu và các thực phẩm, đồ uống khác có chứa lựu.
Theo suckhoedoisong.vn