1. Đặc điểm của long nhãn
Long nhãn còn có tên là lệ chi nô, á lệ chi.
Tên khoa học Euphoria longana Lamk [Euphoria longana (Lour.) Steud., Nephelium longana Lamk.].
Thuộc họ Bồ hòn Sapindaceae.
Long nhãn nhục (Arillus Longanae) là áo hạt phơi hay sấy khô nửa chừng của quả nhãn.
Tên lệ chi nô vì mùa nhãn đến ngay sau khi mùa vải đã hết như người hầu cận theo chủ nhân (lệ chi là quả vải, nô là người hầu cận). Tên long nhãn vì giống mắt con rồng (long là rồng, nhãn là mắt).
Cây nhãn cao 5-7m. Lá rườm ra, vỏ cây xù xì, sắc xám, nhiều cành, nhiều lá um tùm, xanh tươi luôn, không hay héo và rụng như lá các cây khác.
Ở Việt Nam, đâu cũng có, nhưng nhiều và quý nhất là nhãn Hưng Yên. Nhãn còn mọc ở miền Nam Trung Quốc, Thái Lan, Đông Ấn Độ. Thu hoạch vào tháng 7-8.
Quả nhãn - thực phẩm bổ dưỡng, vị thuốc an thần.
Có nhiều loại nhãn: Nhãn trơ cùi rất mỏng, không chế được long nhãn. Nhãn nước cùi rất nhiều nước, chế được long nhãn, nhưng phẩm chất kém, chế tốn nhiều công (18-20kg nhãn tươi mới được 1kg long nhãn). Nhãn lồng (vì khi quả nhãn gần chín người ta thường dùng lồng tre hay nứa để giữ chim, dơi khỏi ăn) loại này cùi dày và mọng.
Cùi nhãn khi tươi có 77,15% nước, độ tro 0,01%, chất béo 0,13%, protid 1,47%, hợp chất có nitơ tan trong nước 20,55%, đường sacaroza 12,25%, vitamin A và B.
Cùi khô (long nhãn nhục) chứa 0,85% nước, chất tan trong nước 79,77%, chất không tan trong nước 19,39%, độ tro 3,36%. Trong phần tan trong nước có glucoza 26,91%, sacaroza 0,22%, acid taetric 1,26%. Chất có nitơ 6,309%.
Hạt nhãn chứa tinh bột, saponin, chất béo và tannin.
Lá nhãn có quercetin, quercitin, tannin. Lá nhãn có vị nhạt, tính bình, có tác dụng chữa cảm mạo với liều 10-15g dưới dạng thuốc sắc.
2. Công dụng và liều dùng của long nhãn
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, ngoài công dụng làm thực phẩm, long nhãn nhục là một vị thuốc nhân dân dùng để bồi bổ, chữa các bệnh hay quên, thần kinh kém, hay hoảng hốt, thần kinh suy nhược, không ngủ được.
Ngày dùng 9 đến 10g dưới dạng thuốc sắc hay cao lỏng.
Hạt nhãn dùng ngoài hay dùng hoặc uống trong (rất ít dùng) với liều 3-9g.
Hạt chữa các chứng chốc lở, bị đứt tay, đứt chân (tán nhỏ, rắc lên vết đứt chân, tay), gội đầu.
Theo tài liệu cổ, long nhãn vị ngọt, tính bình, vào hai kinh tâm và tỳ. Có tác dụng bổ tâm tỳ, nuôi huyết, an thần, ích trí; dùng chữa huyết hư sinh hay quên, hồi hộp mất ngủ.
Những người đầy bụng, kém ăn không dùng được.
Long nhãn bổ huyết.
3. Đơn thuốc có long nhãn và hạt nhãn
- Chữa các chứng do tư lự quá độ, buồn bực không ngủ, hay quên:
Bài quy tỳ: Long nhãn, táo nhân (sao), hoàng kỳ (chích), phục thần, mỗi vị 4g, mộc hương 6g, cam thảo (chích) 4g, gừng 3 lát, táo đỏ một quả. Sắc uống nóng.
- Khe ngón chân lở ngứa:
Hạt nhãn bóc vỏ đen, thái mỏng, phơi khô, tán nhỏ, rắc vào.
- Chữa các triệu chứng kém ăn, mất ngủ, mồ hôi trộm, mệt nhọc:
Bài thuốc Nhị long ẩm (đơn thuốc của Hải Thượng Lãn Ông) gồm: Cao ban long 40g, long nhãn 50g. Sắc long nhãn với nước. Thái nhỏ cao ban long cho vào nước sắc long nhãn. Đun nóng để hòa tan. Để nguội, thái thành từng miếng mỏng. Trước khi đi ngủ tối và sáng sớm uống, mỗi lần 10g cao này.
4. Một số món ăn thuốc có long nhãn
TS. Nguyễn Đức Quang, bác sĩ y học cổ truyền giới thiệu một số món ăn thuốc có long nhãn như sau:
Ngọc linh cao: Long nhãn 30g, đường trắng 3g, nhân sâm 3g. Cho tất cả vào bát, đậy kín miệng bát bằng giấy bản hoặc vải xô mỏng, hấp cách thủy hoặc hấp trên nồi cơm. Mỗi lần ăn 1 thìa với nước sôi ấm. Dùng làm thực đơn bồi bổ tăng lực (đại bổ nguyên khí).
Long nhãn tửu: Long nhãn xào qua rượu, thêm rượu (tỷ lệ khoảng 10%) ngâm 100 ngày là được. Uống vài ba lần mỗi ngày, mỗi lần 20ml. Công dụng: Ích tinh thần, bổ khí huyết.
Cháo hạt dẻ long nhãn: Long nhãn 15g, hạt dẻ 10 - 20 hạt, gạo tẻ 50g, đường vừa đủ. Hạt dẻ bóc vỏ, đập vụn nấu với gạo thành cháo, khi cháo được, cho long nhãn vào, đun sôi đều, khi ăn thêm đường.
Dùng tốt cho người hồi hộp, tim loạn nhịp, mất ngủ, đau lưng mỏi gối.
Long nhãn sấy khô.
Long nhãn đại táo chưng mật ong nước gừng: Long nhãn 250g, mật ong 250g, đại táo 250g, nước gừng vừa đủ ăn.
Nấu long nhãn và đại táo với nước, khi chín nhừ, cho nước gừng và mật ong vào, đun sôi là được.
Thích hợp cho người ăn kém, chậm tiêu, da xanh tái, hồi hộp, đánh trống ngực, lo âu, mất ngủ (tâm tỳ lưỡng hư).
Quế viên đồng tử kê: Gà giò 1 con, long nhãn 30g.
Gà làm sạch, cho long nhãn, chút rượu, dấm, hành, gừng, muối gia vị và ít nước, đặt trên bếp hầm nhỏ lửa khoảng 1 giờ.
Dùng cho người thiếu máu, hồi hộp, mất ngủ, đánh trống ngực.
Long nhãn hoa sinh: Long nhãn 10g, lạc (để cả vỏ hạt) đập vụn 15g. Cho ít muối, ít nước, nấu chín cho ăn.
Dùng cho trường hợp thiếu máu, chảy máu dưới da.
Canh long nhãn yến sào: Long nhãn 20g, kỷ tử 20g, yến sào 30 - 50g, mỗi thứ liều lượng thích hợp, thêm nước hầm nhừ, sau cho đường phèn vừa đủ.
Dùng tốt cho người hồi hộp loạn nhịp tim, mất ngủ, sốt nóng về chiều, có mồ hôi trộm, ho khan, ít đờm, đờm lẫn huyết (tâm phế âm hư).
Cháo long nhãn hạt sen: Long nhãn 16 - 30g, hạt sen 16 - 30g, gạo tẻ 60 - 80g vo sạch. Tất cả nấu cháo. Dùng cho người cơ thể suy nhược, thiếu máu.
Ba ba hầm long nhãn sơn dược: Ba ba 1 con nhỏ, long nhãn 20g, sơn dược 20g. Ba ba làm sạch, cho long nhãn, sơn dược và nước, thêm gia vị hầm cách thủy ăn. Dùng cho người suy nhược cơ thể sau bệnh nặng dài ngày, hồi hộp đánh trống ngực, mất ngủ, vã mồ hôi trộm; lòng bàn tay, bàn chân hâm hấp nóng (đạo hãn, thủ túc tâm nhiệt), ăn kém mất sức.
Kiêng kỵ:
-Người bụng ngực đầy trướng, nôn thổ, nấc, ho, sốt, nhiều đờm dịch xuất tiết không dùng.
-Long nhãn chứa nhiều đường nên không nên ăn nhiều, nhất là những người bị đái tháo đường, thừa cân, béo phì...
Theo suckhoedoisong.vn