1. Biến chứng nặng hơn khi mắc sốt xuất huyết trên nền đái tháo đường
Thời gian vừa qua, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho không ít ca bệnh sốt xuất huyết trên nền đái tháo đường gặp biến chứng khá nguy hiểm.
Điển hình như ca bệnh mắc đái tháo đường type 2 hơn 10 năm, kèm theo tăng huyết áp, rối loạn lipid máu. Bệnh nhân nhập viện sau 3 ngày bị sốt cao liên tục trên 39 độ C, kèm đau mỏi người, đau cơ xương khớp. Người bệnh có xuất huyết dưới da thành mảng rộng, chảy máu chân răng. Mức tiểu cầu giảm sâu, chỉ còn 6G/L, (trong khi mức bình thường là từ 150-400G/L) - tức là ở mức độ cực kỳ nguy hiểm. Bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết nặng.
ThS.BS. Phạm Hồng Quảng, phụ trách khoa bệnh nhiệt đới cho hay: Trường hợp bệnh nhân này do tiểu cầu giảm rất sâu. Khi số lượng tiểu cầu càng thấp thì nguy cơ xuất huyết càng cao, tỉ lệ biến chứng càng khó lường. Biến chứng nguy hiểm là bệnh nhân bị thoát dịch, thoát huyết tương gây tràn dịch màng phổi, màng bụng, tiểu ra máu… Hơn nữa, bệnh nhân mắc đái tháo đường lâu năm nên hệ miễn dịch suy giảm dễ dẫn tới bội nhiễm như viêm phế quản, viêm phổi…
Rất may, đối với bệnh nhân nêu trên, sau một thời gian được theo dõi và điều trị tích cực, chặt chẽ đã kiểm soát được mức đường huyết an toàn, huyết áp ổn định và tiểu cầu tăng lên hơn 100G/L nên đã được xuất viện.
2. Những khó khăn trong điều trị
BS. Quảng cho biết thêm, nhìn chung người mắc sốt xuất huyết khi tiểu cầu càng thấp thì nguy cơ xuất huyết càng cao: Có thể xuất huyết dưới da, xuất huyết trong cơ, xuất huyết nội tạng, xuất huyết não… Nhưng với người mắc đái tháo đường có hệ miễn dịch bị suy giảm, do đó nguy cơ gặp phải các biến chứng cao hơn và cũng nguy hiểm hơn. Việc điều trị cần có phác đồ đặc biệt, vừa phải kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp vừa phải dự phòng các biến chứng do sốt xuất huyết gây ra. Chính vì thế bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ.
Quá trình điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết trên nền đái tháo đường khó khăn hơn so với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thông thường. Đặc biệt là với trường hợp tiểu cầu giảm sâu thì trong quá trình điều trị, kíp điều trị phải theo dõi sát sao ngay cả việc truyền dịch. Đối với bệnh nhân cần bù tiểu cầu phải cân nhắc kỹ chỉ định. Những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình truyền như gây dị ứng, sốc, lây nhiễm mầm bệnh truyền nhiễm thông qua truyền máu là rất cao.
Đối với người mắc đái tháo đường type 2 kèm tăng huyết áp thì việc bù dịch càng gặp khó khăn hơn. Do sức đề kháng của người bệnh kém nên sẽ chậm hồi phục. Ngoài ra, việc điều chỉnh đường huyết sẽ càng gặp khó khăn hơn do tình trạng nhiễm trùng làm tăng đường máu.
Đến nay chưa có phương pháp điều trị sốt xuất huyết đặc hiệu. Mặc dù có thể điều trị được các triệu chứng nhưng bệnh có diễn biến khó lường, có thể xuất hiện những biến chứng nặng đe dọa đến tính mạng, đặc biệt là đối với người bệnh đái tháo đường, người bệnh cao tuổi.
Do đó đối với những bệnh nhân đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. Sau khi khám bệnh, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định cho một số trường hợp điều trị tại nhà, nhưng cần phải lưu ý: Phải theo dõi nhiệt độ cơ thể hằng ngày, theo dõi các biểu hiện xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam… thì phải nhập viện ngay, hoặc bệnh nhân đang sốt nhưng đột nhiên bị tụt nhiệt độ cũng cần phải nhanh chóng đưa đi bệnh viện, BS. Quảng khuyến cáo.
Hiện nay dù đã là cuối của dịch sốt xuất huyết nhưng số ca mắc vẫn nhiều. Những bệnh nhân mắc bệnh nền khi mắc sốt xuất huyết có nguy cơ cao hơn người bình thường. Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh là loại bỏ nguồn lây bệnh như tiêu diệt muỗi và các biện pháp phòng tránh muỗi đốt để ngừa mắc bệnh cũng như ngăn ngừa bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng hơn nếu không may mắc. |