1. Ăn gạo lứt có tác dụng gì đối với bệnh đái tháo đường?
Gạo lứt là loại ngũ cốc nguyên hạt được chế biến tối thiểu. Trong gạo lứt bao gồm các thành phần như: cám giàu chất xơ, mầm chứa nhiều vitamin và nội nhũ chứa tinh bột.
Ngược lại, carbohydrate tinh chế như gạo trắng đã được xử lý để loại bỏ mầm và cám, chỉ để lại nội nhũ. Quá trình này không chỉ loại bỏ phần lớn chất xơ của hạt gạo mà còn làm giảm hàm lượng chất chống oxy hóa, protein, vitamin và khoáng chất.
Vì có nhiều chất xơ hơn nên gạo lứt thường có chỉ số đường huyết (Gl) thấp hơn gạo trắng, được hấp thụ chậm hơn và ít có khả năng gây tăng đột biến lượng đường trong máu.
Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng việc thực hiện một chế độ ăn uống bằng thực phẩm có Gl thấp có thể làm giảm lượng đường trong máu và kiểm soát đường huyết ở người bệnh đái tháo đường tye 2. Đồng thời giúp kiểm soát cân nặng, giảm mức cholesterol toàn phần và cholesterol xấu LDL. Cả hai đều là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch.
Theo ThS.BS. Nguyễn Thu Yên, chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường, ăn gạo lứt đã được chứng minh là giúp hỗ trợ hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu sau bữa ăn tốt hơn ở những người mắc bệnh đái tháo đường, thậm chí có thể giúp ngăn ngừa bệnh đái tháo đường type 2.
Những lợi ích này được cho là nhờ chất xơ, tinh bột cháy chậm, chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa cũng như khả năng giúp nuôi các vi khuẩn có lợi trong đường ruột của gạo lứt có liên quan đến bệnh đái tháo đường và phòng chống béo phì.
2. Giá trị dinh dưỡng của gạo lứt
Theo phân tích thành phần dinh dưỡng của gạo lứt, trong một chén gạo lứt hạt dài nấu chín cung cấp các chất sau:
- Lượng calo: 248
- Chất đạm: 5g
- Chất béo: 2g
- Tinh bột: 52g
- Chất xơ: 3g
- Phốt pho: 17% giá trị hàng ngày (DV)
- Kẽm: 13% DV
- Đồng: 24% DV
- Mangan: 86% DV
- Selen: 21% DV
- Thiamine (vitamin B1): 30% DV
- Riboflavin (vitamin B2): 11% DV
- Niacin (vitamin B3): 35% DV
- Axit pantothenic (vitamin B5): 15% DV
- Vitamin B6: 15% DV
Gạo lứt đặc biệt có hàm lượng vitamin B cao. Loại vitamin này rất cần thiết cho việc sản xuất hồng cầu và giúp chuyển đổi thực phẩm khi ăn thành năng lượng. Gạo lứt chủ yếu chứa chất xơ không hòa tan, có liên quan đến việc cải thiện độ nhạy insulin và giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại type 2.
Ngoài vitamin và khoáng chất, gạo lứt còn giàu phenol và flavonoid, chất chống oxy hóa tương tác và vô hiệu hóa các gốc tự do có hại cơ thể. Các nghiên cứu cũng cho thấy, chất chống oxy hóa trong gạo lứt và các loại ngũ cốc nguyên hạt khác có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh tim, đái tháo đường và ung thư.
3. Lưu ý khi ăn gạo lứt tốt cho người bệnh đái tháo đường
So với gạo trắng, gạo lứt đã được chứng minh là cải thiện lượng đường trong máu sau bữa ăn, kiểm soát trọng lượng cơ thể và mức cholesterol. Nhưng khi tiêu thụ gạo lứt, người bệnh cũng cần chú ý đến khẩu phần ăn và kết hợp với các thực phẩm giàu chất béo lành mạnh và protein nạc để giảm thiểu lượng đường trong máu tăng đột biến.
Theo ThS.BS. Nguyễn Thu Yên, trên thị trường có nhiều loại gạo lứt như gạo lứt đỏ, gạo lứt nâu, gạo lứt đen. Mỗi loại gạo lứt khác nhau sẽ có thành phần dinh dưỡng và ưu điểm khác nhau. Vì vậy người bệnh đái tháo đường nên phối hợp cả 3 loại trên để nhận được dinh dưỡng tối ưu.
Khi nấu cơm gạo lứt nên nấu cùng với các loại hạt như hạt đậu, hạt sen… để bổ sung thêm nguồn đạm thực vật và chất xơ giúp làm giảm chỉ số đường huyết của bát cơm gạo lứt, giúp hạn chế tăng đường huyết sau khi ăn.
Lưu ý không nên sử dụng gạo lứt đối với người bệnh mắc bệnh thận mạn tính vì giàu phospho và kali. Gạo lứt chứa nhiều chất xơ gây khó tiêu nên người đang bị rối loạn tiêu hóa, bị khó tiêu hoặc mới phẫu thuật đường tiêu hóa không nên ăn.
Theo suckhoedoisong.vn