1. Đặc điểm và công dụng của đan sâm

Đan sâm còn được gọi là huyết sâm, xích sâm, huyết căn, sơn sâm, tử đan sâm, hồng căn, tử sâm... Tên khoa học là Salvia multiorrhiza Bunge, thuộc họ Hoa môi - Labiatae.

Tuy không thuộc cùng một họ với nhân sâm (họ Ngũ gia bì - Araliaceae), nhưng vì rễ có hình dạng tựa như nhân sâm nên cũng được gọi là sâm, lại có màu đỏ (đan) nên có tên là đan sâm.

Là một loại cỏ, sống lâu năm, đan sâm cao lên đến 80cm, toàn thân mang lông ngắn màu vàng trắng nhạt. Rễ nhỏ dài hình trụ, màu đỏ nâu. Thu hoạch rễ vào mùa đông, rửa sạch, cắt bỏ thân và rễ con, phơi hoặc sấy khô, bảo quản nơi khô mát.

photo-1700743724039
 
Cây và vị thuốc đan sâm: thông huyết mạch, giảm đau
 

Theo Đông y, đan sâm có vị đắng, hơi hàn, không độc, lợi vào 3 kinh tâm, can và tâm bào; có tác dụng hoạt huyết thông kinh, hóa ứ, chỉ thống (cắt cơn đau), dưỡng huyết, an thần, lương huyết tiêu ung (mát máu tiêu ung nhọt), bài nung sinh cơ (trừ mủ, kích thích sinh da non).

Trong Đông y, đan sâm được sử dụng trong trường hợp đau thắt ngực (chữa tâm giao thống), rối loạn kinh nguyệt (chữa nguyệt kinh bất điều), đau bụng kinh (thống kinh), khí hư, huyết trắng (bế kinh, băng huyết, đới hạ), trong bụng có khối cứng (chứng hà tích tụ) và một số chứng bệnh phụ khoa.

2. Các kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại về đan sâm

Đan sâm có nhiều tác dụng tốt đối với hệ tim mạch: Làm giãn động mạch vành tim, khiến lưu lượng máu trong động mạch vành tăng lên rõ ràng; cải thiện quá trình trao đổi chất và chức năng của cơ tim, do đó có khả năng hạn chế nhồi máu cơ tim; có tác dụng ức chế tiểu cầu phóng thích chất gây co mạch máu, làm giảm sự tụ tập tiểu cầu, cải thiện tuần hoàn ngoại vi.

Đối với quá trình chuyển hóa mỡ, đan sâm có tác dụng làm giảm triglicerit và cholesterol trong huyết thanh máu, do đó thường được sử dụng để phòng trị bệnh động mạch vành và một số bệnh tim mạch khác.

Ngoài ra, đan sâm còn có tác dụng kiềm chế quá trình lão suy, tăng cường miễn dịch, an thần, kháng khuẩn. Trên lâm sàng, đan sâm được sử dụng để chữa bệnh mạch vành tim, huyết khối trong mạch máu não, làm giảm mỡ máu, viêm tiền liệt tuyến, viêm gan mạn tính kéo dài, xơ gan cổ trướng, viêm khung chậu…

photo-1700743726141

Đan sâm, vị thuốc giảm mỡ máu, phòng bệnh mạch vành.

3. Cách sử dụng đan sâm trong phòng chữa bệnh

- Đan sâm giúp giảm mỡ máu, chống đông máu: Có thể dùng độc vị đan sâm 12g ( đã tán thô) hãm trà uống trong ngày.

- Hỗ trợ điều trị bệnh cơ tim: Đan sâm, tam thất, xuyên khung, trạch tả, nhân sâm, đương quy, hà thủ ô, hoàng tinh - lượng bằng nhau; tán mịn, ngày uống 4g, chia 2 lần sáng chiều; liệu trình 15 ngày.

- Phòng trị bệnh mạch vành: Đan sâm 30g, rửa sạch, ngâm trong 500g rượu trắng, khoảng 7 ngày có thể sử dụng; ngày uống 2-3 lần, mỗi lần khoảng 10ml, trước bữa ăn.

- Hỗ trợ và điều trị đau thắt ngực: Đan sâm 10g, bạch đàn hương 4g, sa nhân 4g; sắc nước uống trong ngày, uống ấm tốt hơn uống lạnh.

- Hỗ trợ và điều trị mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ: Đan sâm 6g, hà thủ ô 10g, trạch tả 5g; sắc uống trong ngày.

- Hỗ trợ và điều trị hạ cholesterol máu, giãn rộng động mạch vành và chống xơ vữa động mạch, bảo vệ gan, lợi mật: Đan sâm 10g, nhân trần 15g; sắc lấy nước, thêm đường đỏ 15g; chia 2 lần uống trong ngày.

3. Lưu ý khi sử dụng đan sâm

- Đan sâm có dạng thái miếng hoặc sắt khúc. Miếng to, chắc, khô, mềm, màu hồng tía là tốt. Là những vị thuốc tương đối an toàn, phạm vi tác dụng tương đối rộng, ít khi gây tác dụng phụ, tuy nhiên, vì là thuốc chữa bệnh không phải là thức ăn, do đó không nên uống quanh năm ngày tháng.

- Các bài thuốc trên nên uống theo từng đợt. Mỗi đợt có thể kéo dài từ 10-15 ngày, tùy theo bệnh tình. Sau mỗi liệu trình cần nghỉ 5 ngày, rồi lại tiếp tục liệu trình khác.

- Đối với các bệnh mạn tính, khi dùng đan sâm chữa bệnh, nếu bị đi lỏng thì có thể sao qua trước khi dùng hoặc cho thêm vào vài lát gừng tươi cùng sắc uống.

- Đan sâm không dùng chung với vị thuốc lê lô (hoa hiên). Người không có hội chứng huyết ứ (tụ máu) phải thận trọng, không nên dùng.

- Không dùng đan sâm cho phụ nữ có thai.

Theo suckhoedoisong.vn