1. Mối nguy khi trẻ bị hen suyễn

Hen suyễn (hen phế quản) là một bệnh đường hô hấp mạn tính hay gặp ở trẻ em. Trẻ dễ bị ho, khò khè, khó thở nếu tiếp xúc với một số dị nguyên gây kích thích đường thở.

Các triệu chứng của hen suyễn ảnh hưởng không nhỏ đến học tập, sinh hoạt, vui chơi của trẻ. Nếu không được điều trị, kiểm soát, các cơn hen cấp có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Các triệu chứng của bệnh hen suyễn ở trẻ nhỏ:

- Thở khò khè, ho khan dai dẳng (đối với một số trẻ em, điều này xảy ra chủ yếu vào ban đêm).

- Trẻ đang hoạt động mà cảm thấy khó thở hơn, khó khăn khi nói những câu dài. Ngoài ra, còn có triệu chứng tức, nặng ngực, ho khạc đờm.

- Một số trẻ bị hen suyễn do tập thể dục hay vận động mạnh.

photo-1658755305029
 

Hen suyễn khiến trẻ thở khò khè, ho khan dai dẳng…

2. Các nguyên nhân gây bệnh hen suyễn

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh hen suyễn, bao gồm:

- Nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường. COVID-19 cũng được xếp vào nhóm này. Đây cũng chính là lý do tại sao trẻ em bị hen suyễn nên được tiêm vaccine phòng COVID-19.

- Dị ứng: Chất gây dị ứng ngoài trời như phấn hoa, mạt bụi hoặc lông của vật nuôi cũng là tác nhân gây bệnh.

- Tập thể dục: Một số trẻ sẽ gặp khó khăn khi vận động ngay cả khi vận động nhẹ, trong khi những trẻ khác chỉ gặp khó khăn khi vận động mạnh hoặc đang bị cảm lạnh, dị ứng.

- Thay đổi thời tiết, nhất là khi trời trở lạnh hơn. Một số trẻ có thể bị kích hoạt khi ở trong phòng lạnh điều hòa.

- Căng thẳng có thể kích hoạt bệnh hen suyễn hoặc khiến bệnh trầm trọng hơn.

3. Các loại thuốc điều trị hen suyễn

3.1. Thuốc giãn phế quản

Thuốc giãn phế quản thường dùng là albuterol, levalbuterol, formoterol hoặc ipratropium. Đây là những thuốc được gọi là "thuốc giải cứu", vì giúp mở rộng đường thở. Thuốc được cung cấp qua ống hít định liều hoặc máy phun sương khi người bệnh có triệu chứng.

3.2. Steroid dạng hít

Thuốc giúp giảm tình trạng viêm của các lá phổi và làm cho chúng ít có khả năng phản ứng với các tác nhân kích thích hơn. Loại 'thuốc kiểm soát' này được sử dụng thường xuyên để ngăn ngừa các triệu chứng.

3.3. Thuốc hít kết hợp

Thuốc kết hợp bao gồm thuốc steroid dạng hít và thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài, hữu ích cho những bệnh nhân bị hen suyễn khó chữa hơn. Đôi khi được sử dụng trong liệu pháp cắt cơn và duy trì (cả trường hợp khẩn cấp và kiểm soát sau đó).

photo-1658755308519
 

Cần đảm bảo rằng trẻ đang sử dụng ống hít đúng hướng dẫn của bác sĩ.

3.4. Steroid đường uống hoặc đường tiêm

Những loại thuốc này thường được sử dụng khi lên cơn hen suyễn nặng, nhưng một số người cũng cần dùng chúng thường xuyên để ngăn ngừa.

3.5. Thuốc điều trị dị ứng

Các thuốc trị dị ứng như loratadine, cetirizine hoặc montelukast có thể rất hữu ích khi chúng cũng là thành phần chống dị ứng.

Một số người bị hen suyễn nặng cần các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như chích ngừa dị ứng cho các trường hợp dị ứng nghiêm trọng, hoặc các loại thuốc như dupilumab có tác dụng đẩy lùi chứng viêm trong cơ thể, tuy nhiên rất hiếm gặp.

4. Sử dụng thuốc thế nào cho đúng?

- Dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ.

- Tránh tự ý tăng, giảm hoặc ngưng dùng thuốc mà chưa có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

- Cần đảm bảo rằng trẻ đang sử dụng ống hít đúng hướng dẫn của bác sĩ, đảm bảo rằng thuốc đi vào phổi chứ không chỉ vào miệng.

- Thăm khám định kì: Với trẻ mắc hen suyễn nhẹ (một vài cơn nhẹ mỗi năm), cần phải kiểm tra thường xuyên hơn. Tăng thăm khám, trao đổi với bác sĩ diễn biến của bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ điều chỉnh chế độ dùng thuốc, cũng như cách sinh hoạt, vận động của trẻ để có thể kiểm soát bệnh một cách triệt để.

- Khi dùng thuốc nếu có các dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.

Theo suckhoedoisong.vn