Nghiên cứu cho thấy các thư pháp gia thường có tuổi thọ cao
Qua khảo cứu dữ liệu về tuổi thọ các thư pháp gia trong quá khứ, không khó nhận ra từ xưa đến nay rất nhiều vị thư pháp gia nổi tiếng có tuổi thọ cao hơn đáng kể so với tuổi thọ trung bình đương thời.
Ở nước ta, hình ảnh những người "bày mực Tàu giấy đỏ" thường là những "ông đồ già" phần nào phản ánh thực tế người học tập thư pháp thường có tuổi thọ tương đối cao.
Thời hiện đại, tại Trung Quốc số thư pháp gia nổi tiếng thọ hơn 90 tuổi là rất nhiều. Điều đặc biệt là, đại đa số các thư pháp gia sống thọ xưa nay có sức khỏe rất tốt, trí tuệ minh mẫn.
Viết thư pháp giúp điều hòa hơi thở
Thư pháp tuy không sử dụng đến những thủ pháp như "lấy ý dẫn khí", "khí thủ Đan điền" như môn khí công, nhưng lại cần hơi thở điều hòa. Một người viết thư pháp nếu không điều hòa hơi thở chắc chắn sẽ không điều khiển được ngọn bút, từ đó không thể viết tốt được.
Nhiều người khi mới học thư pháp đều có trạng thái trước khi viết một nét thì phải lấy hơi, trong khi viết từ đầu đến cuối không dám thở, nín thở đợi đến khi kết thúc nét ấy rồi mới có thể thở tiếp.
Nhưng qua thời gian, cùng với việc luyện tập, hơi thở sẽ dần dần đạt được trạng thái nhẹ nhàng thoải mái, thở sâu mà hơi thở quân bình điều hòa, không còn thở quá mạnh đồng thời cũng không cần dùng ý thức ức chế hơi thở nữa. Việc điều hòa hơi thở này theo Đông y góp phần giúp điều tiết công năng phế và tâm, từ đó đạt được tác dụng nâng cao sức khỏe.
|
|
Học viết thư pháp mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. |
Học tập thư pháp giúp tăng cường sức khỏe trí óc
Học thư pháp giúp thúc đẩy tính sáng tạo và tư duy nghệ thuật. Thư pháp không đơn thuần chỉ là cầm bút lên và viết, đó thực sự là công phu luyện tập trường kỳ. Trước khi có thể sáng tác tác phẩm thư pháp, có hai quá trình mà người học thư pháp nào cũng phải trải qua là "lâm" và "mô".
Mô là tô lại còn lâm là chép lại những danh bi, danh thiếp. Trước khi lâm mô, người học lại cần "độc thiếp" tức là phải quan sát thật kỹ tác phẩm của các danh gia mà mình đang lâm mô để có những đánh giá về bút thế, tự thế, mặc pháp, chương pháp…
Quá trình độc thiếp, lâm mô này không phải làm một lần mà phải làm đi làm lại, mỗi lần lại có thu hoạch mới, mỗi lượt lại đạt đến một cảnh giới cao hơn. Trong quá trình ấy đòi hỏi người học thư pháp cần có năng lực quan sát, năng lực nhẫn nại, khả năng tập trung… những khả năng, năng lực ấy cùng với thời gian luyện tập sẽ không ngừng được đề cao, hoàn thiện.
Sức khỏe trí óc là một phần vô cùng quan trọng của sức khỏe nói chung. Học tập thư pháp thông qua việc tăng cường khả năng tập trung, nhận thức, năng lực nhẫn nại, khả năng quan sát, gia tăng thẩm mỹ nghệ thuật, làm phong phú hơn đời sống tinh thần sẽ giúp người học nâng cao sức khỏe trí óc, từ đó góp phần có một sức khỏe tốt hơn.
|
|
Viết thư pháp tăng cường sức khỏe trí óc. |
Học tập thư pháp giúp điều hòa tâm lý
Như đã nói ở trên, việc học tập thư pháp giúp nâng cao sức khỏe trí óc, khi sức khỏe trí óc được nâng cao, tâm lý chắc chắn sẽ điều hòa hơn. Bên cạnh đó, việc học thư pháp cũng là một các để giải tỏa áp lực.
Từ thời xưa người phương Đông đã nhận định việc viết thư pháp có tác dụng rất lớn trong việc điều hòa tâm lý, đây thậm chí còn trở thành một yêu cầu khi viết thư pháp. Cả Đông y và Tây y đều nhận định tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, thư pháp giúp điều hòa tâm lý, giải tỏa áp lực chắc chắn sẽ giúp sức khỏe được cải thiện rất nhiều.
Học tập thư pháp giúp điều hòa thân thể
Bên cạnh việc điều hòa tâm lý, đối với sức khỏe thể chất, thư pháp cũng có những tác động nhất định. Thư pháp là bộ môn "kết hợp động tĩnh", trong vận động viết chữ cần có sự trầm ổn, không quá kích thích nhưng lại không quá tĩnh tại, có thể nói là trong động có tĩnh, trong tĩnh có động.
Ngoài ra, khi viết thư pháp rất chú trọng tư thế. Khi mới bắt đầu học tập, thư pháp có một công phu cơ bản mà trong giới thường gọi là "treo tay", tức là để cánh tay song song với mặt bàn, phần nách hơi mở, cổ tay, cánh tay không có điểm tựa mà có thể giữ nguyên ở tư thế đó trong thời gian lâu hoặc viết chữ tại tư thế đó.
Sau này, khi ngồi hoặc đứng viết chữ tư thế cũng cần lưng ngay cổ thẳng, mở rộng cánh tay, hay chân vững vàng… Chính tư thế này khi tập thành quen sẽ giúp điều chỉnh tư thế trong các hoạt động khác, qua đó tạo điều kiện cho khí huyết lưu thông thuận lợi hơn.
Hơn nữa, sự vận động trong quá trình viết chữ kết hợp vận động từ ngón tay, cổ tay, khửu tay, cánh tay và toàn thân. Đây là những vận động rất tinh tế, không những giúp cân cốt trở nên dẻo dai, mà còn giúp kích hoạt các tế bào thần kinh.
Theo suckhoedoisong.vn