|
|
Mệt mỏi, luôn buồn ngủ, căng thẳng là những dấu hiệu điển hình khi bạn bị giảm năng lượng vào buổi chiều. Ảnh:Skios. |
Bạn có buồn ngủ sau 14h chiều không? Điều này diễn ra hàng ngày? Năng lượng tạm thời sụt giảm đó có thể là vấn đề khi bạn phải làm việc, đang đi trên đường hoặc chăm sóc gia đình.
Theo tiến sĩ Roxanne B. Sukol, chuyên gia y tế dự phòng tại Cleveland Clinic, mức năng lượng có thể giảm vào buổi chiều và có cách loại bỏ chúng. Nếu tình trạng mệt mỏi kéo dài hơn 2 tuần mặc dù đã ngủ ngon, bạn nên đến gặp bác sĩ. Tình trạng sức khỏe tiềm ẩn có thể là nguyên nhân.
Dấu hiệu sụt giảm năng lượng
Theo GoodDx, công ty chăm sóc sức khỏe của Mỹ, có rất nhiều triệu chứng đi kèm với sự uể oải, sụt giảm năng lượng vào buổi chiều, bao gồm:
- Mệt mỏi: Mệt mỏi tột độ là triệu chứng đầu tiên khi sụt giảm năng lượng. Cảm giác kiệt sức có thể khiến bạn khó tập trung và luôn buồn ngủ.
- Thay đổi tâm trạng: Cảm thấy mệt mỏi trong công việc có thể khiến tâm trạng của bất kỳ ai bị ảnh hưởng. Việc thiếu ngủ và thay đổi tâm trạng thường liên quan đến nhau. Vì vậy, khi bạn không được nghỉ ngơi đầy đủ, điều đó có thể khiến buổi chiều của bạn trở nên tồi tệ hơn, bạn luôn tức giận, khó chịu.
- Thèm ăn: Các nghiên cứu đã chỉ ra tình trạng thiếu ngủ khiến mọi người thèm ăn những thức ăn nhiều chất béo, đường và calo, đặc biệt là đồ ăn nhẹ. Bạn có thể muốn uống một ly nước tăng lực để tăng cường nhanh chóng, nhưng sau đó lại sụt giảm đường khiến bạn thậm chí còn cảm thấy kiệt sức hơn trước.
- Căng thẳng: Căng thẳng trong công việc có thể ảnh hưởng khả năng tỉnh táo và sảng khoái của cơ thể. Điều này cũng có thể tác động tiêu cực đến việc bạn ngủ bao nhiêu vào ban đêm.
- Đau đầu: Mệt mỏi có thể gây ra chứng đau đầu và đau nửa đầu ở một số người.
- Đau bụng: Ngủ không đủ giấc có thể khiến hệ tiêu hóa bị rối loạn như đau bụng, táo bón, khó tiêu và tiêu chảy.
- Thường xuyên ngáp: Nếu ngáp mỗi phút một lần, bạn có thể đang trải qua sự sụt giảm năng lượng vào buổi chiều.
- Thị lực suy giảm: Khi bạn cảm thấy mệt mỏi, mắt có thể bị co giật. Nhạy cảm với ánh sáng và tăng khả năng nhìn mờ cũng có thể gây ra các vấn đề về thị lực khi bạn không ngủ đủ giấc.
Nguyên nhân
Cơ thể trải qua nhịp sinh học tự nhiên, khiến bạn cảm thấy tỉnh táo và mệt mỏi trong suốt 24 giờ. Cũng như nhịp điệu này khiến bạn mệt mỏi vào ban đêm, nó cũng khiến bạn buồn ngủ và giảm sự tỉnh táo vào buổi chiều, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 13h đến 16h chiều. Có nhiều lý do khiến mọi người cảm thấy ít năng lượng hơn vào buổi chiều, bao gồm:
Mức độ hormone thay đổi tự nhiên
Mức độ hormone cortisol hàng ngày có xu hướng tăng và giảm theo nhịp điệu có thể đoán trước được khiến năng lượng của bạn giảm xuống vào buổi chiều. Nếu lịch trình của bạn cho phép, hãy lên kế hoạch cho một giấc ngủ ngắn khoảng 5-10 phút vào đầu buổi chiều.
Bạn hầu như không bao giờ ngủ đủ giấc
Tình trạng thiếu ngủ kinh niên khiến bạn luôn mệt mỏi và buổi chiều cũng tồi tệ hơn. Tốt nhất là bạn không nên uống nước ngọt vào buổi chiều, thay vào đó, cà phê, chocolate đen và trà đá không đường là lựa chọn tốt hơn.
Người lớn thường không ngủ đủ giấc. Khi ngủ ngon hơn vào ban đêm, bạn có nhiều khả năng tỉnh táo và minh mẫn hơn vào ban ngày.
|
|
13-16h chiều là khoảng thời gian chúng ta thường dễ bị sụt giảm năng lượng nhất. Ảnh:Billibili. |
Tăng lượng đường trong máu sau khi ăn trưa
Ăn nhiều carbs và đường trong bữa ăn nhẹ hoặc bữa trưa có thể làm tăng lượng đường trong máu. Điều này kích hoạt giải phóng lượng lớn insulin vào máu. Sau đó, lượng đường huyết sẽ giảm mạnh, khiến bạn kiệt sức và đói.
Bạn nên ăn thực phẩm toàn phần, giàu chất đạm và chất béo bổ dưỡng vào bữa sáng và bữa trưa để bảo tồn lượng insulin cả ngày. Bữa trưa cân bằng với trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và chất xơ cũng giúp bạn tăng thêm năng lượng.
Căng thẳng quá mức
Cortisol hoạt động mạnh khi bạn quá căng thẳng. Điều này khiến bạn cảm thấy kiệt sức và dễ bị ốm hay chấn thương (bong gân hoặc căng cơ). Giảm mức độ căng thẳng sẽ giúp bạn có được giấc ngủ chất lượng. Bạn nên dành thời gian để thư giãn với người thân yêu, thú cưng, đọc sách, câu cá, ca hát, đi bộ đường dài hoặc làm đồ gốm.
Lười vận động
Hoạt động làm tăng mức serotonin, chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác tốt được tạo ra trong não và ruột. Tập thể dục cũng giúp ổn định lượng đường trong máu. Nếu bạn không có thời gian để tập luyện đầy đủ, hãy thử đi bộ xung quanh văn phòng hoặc vươn vai để máu lưu thông.
Năng lượng thấp hoặc mệt mỏi là một triệu chứng phổ biến của thiếu vitamin D. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ít nhất 10 phút giúp tăng cường sản xuất dưỡng chất này. Bạn hãy thử ăn trưa ở bên ngoài và đi bộ nhanh trong giờ nghỉ ngơi.
Theo zingnews