leftcenterrightdel
 Nhiều chị em mệt mỏi kỳ kinh nguyệt do mất nhiều máu. Nguồn ảnh: Internet 

Mất máu có thể khiến bạn mệt mỏi

Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi hay yếu ớt trong kỳ kinh nguyệt một phần phụ thuộc vào lượng máu bạn mất trong khi hành kinh.

Nếu máu kinh của bạn quá nhiều để cần thay băng vệ sinh liên tục, đau bụng dưới, bị chảy máu kinh kéo dài hơn một tuần… có thể dẫn đến thiếu máu. Khi bị thiếu máu sẽ không có đủ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh để mang oxy đến các mô và cơ quan của cơ thể có thể gây ra các triệu chứng mệt mỏi hoặc suy nhược.

Hội chứng tiền kinh nguyệt

Đa số phụ nữ có thể gặp hội chứng tiền kinh nguyệt, đây là một tập hợp các triệu chứng có thể bao gồm: đau đầu, đau lưng, đầy hơi, căng tức ngực, khó chịu hoặc ủ rũ, cảm thấy buồn hoặc xúc động…

Trong một số trường hợp, sự mệt mỏi có thể gây khó khăn trong sinh hoạt và làm việc, làm giảm chất lượng sống.

Theo ThS.BS Nguyễn Cảnh Chương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, hội chứng tiền kinh nguyệt có đặc điểm là dễ kích thích, lo lắng, không ổn định về tình cảm, trầm cảm, phù, đau bụng, đau ngực và đau đầu, xảy ra trong 7-10 ngày trước chu kỳ kinh nguyệt và thường kết thúc vài giờ sau khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu.

Chu kỳ kinh nguyệt được phát sinh do thay đổi nội tiết trong cơ thể và thể hiện ra bên ngoài bằng việc bong niêm mạc tử cung và chảy máu ra ngoài hằng tháng. Chu kỳ kinh nguyệt liên quan đến thay đổi nội tiết và hội chứng tiền kinh nguyệt cũng xuất phát từ hiện tượng này.

Các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt rất đa dạng, mức độ và cường độ ở mỗi người và mỗi chu kỳ là không giống nhau. Hội chứng tiền kinh nguyệt diễn ra trong một thời gian không ngắn (gần 1/3 tháng), ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Thèm ăn

Trong thời gian này, người phụ nữ có thể cảm thấy thèm ăn. Ăn quá nhiều thức ăn có thể dẫn đến mức đường huyết tăng đột biến và tiếp theo là giảm sút. Lúc này, sự giảm đột ngột lượng đường trong máu cũng có thể khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi.

Giấc ngủ bị xáo trộn

Những cơn đau thống kinh và thay đổi tâm trạng có thể khiến phụ nữ trở nên khó ngủ, trằn trọc hoặc mất ngủ suốt đêm. Sau đó, người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng vào ngày hôm sau.

Hormon thay đổi

Trước khi đến tháng một vài ngày, lượng hormon trong cơ thể người phụ nữ sẽ có sự thay đổi. Đặc biệt hormon giới tính có tác dụng điều hòa huyết áp và lượng đường trong máu. Khi nồng độ Estrogen, Progesterone tăng cao thì hai chỉ số này sẽ giảm xuống.

Lượng đường trong máu thấp, huyết áp thấp có thể khiến bạn bị chóng mặt buồn nôn khi có kinh nguyệt.

Theo tieudung.kinhtedothi