|
|
Buồn ngủ ngay sau khi ăn là tình trạng phổ biến của rất nhiều người. Ảnh minh họa: Freepik. |
Bạn có thường cảm thấy buồn ngủ sau khi ăn no hay không? Rất nhiều người gặp phải cảm giác này. Đó là biểu hiện của tình trạng food coma - cảm giác uể oải và mệt mỏi mà bạn gặp phải sau khi thưởng thức một bữa ăn thịnh soạn.
Lý do khiến ta buồn ngủ sau bữa ăn
Theo Healthshots, khi chúng ta ăn, đặc biệt là một lượng lớn thức ăn, hệ tiêu hóa cần tăng lưu lượng máu và năng lượng để phân hủy, xử lý các chất dinh dưỡng. Do đó, có sự thay đổi lưu lượng máu đến hệ thống tiêu hóa, có thể dẫn đến giảm lượng máu và oxy cung cấp cho não, dễ gây ra cảm giác mệt mỏi hoặc buồn ngủ.
Bác sĩ Bhakti Adkar, chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện SRV ở Chembur, Mumbai (Ấn Độ), cho biết trạng thái cực kỳ buồn ngủ hoặc mệt mỏi sau khi ăn một bữa ăn lớn được gọi là food coma.
Uể oải, buồn ngủ, cảm giác nặng nề nói chung và khó tập trung là những dấu hiệu phổ biến của tình trạng này.
Thời gian tình trạng này xảy ra khác nhau ở mỗi người và phụ thuộc vào các yếu tố như kích cỡ và thành phần của bữa ăn. Nói chung, nó kéo dài trong vài giờ khi cơ thể hoạt động đủ để tiêu hóa và xử lý thức ăn đã tiêu thụ.
Tại sao "căng da bụng" lại "chùng da mắt"?
Ngoài nguyên nhân giảm lượng oxy và lượng máu cung cấp cho não, gây ra tình trạng food coma, một số lý do khác cũng dẫn đến tình trạng này, bao gồm:
Lựa chọn thực phẩm
Một số loại thực phẩm, đặc biệt là những loại giàu carbohydrate và chất béo, có thể kích hoạt giải phóng các hormone cụ thể như insulin và serotonin, có vai trò điều chỉnh giấc ngủ và tâm trạng. Mức độ tăng cao của các hormone này có thể góp phần mang lại cảm giác thư giãn và buồn ngủ.
Áp lực lên hệ tiêu hóa
Tiêu thụ lượng lớn thực phẩm có thể khiến hệ tiêu hóa bị quá tải, đòi hỏi nhiều năng lượng và thời gian hơn để chế biến. Nỗ lực của cơ thể để kiểm soát lượng dư thừa này có thể góp phần gây ra mệt mỏi và thờ ơ.
Sử dụng đồ uống có cồn
Kết hợp bữa ăn với đồ uống có cồn có thể làm trầm trọng thêm cảm giác buồn ngủ. Rượu là chất ức chế hệ thần kinh trung ương và có thể khuếch đại tác dụng an thần của các yếu tố khác, góp phần khiến bạn cảm thấy "díu mắt" sau khi ăn no.
|
|
Những bữa ăn lớn, đặc biệt nhiều carbohydrate và chất béo, có thể tăng cảm giác buồn ngủ cho bạn sau khi ăn. Ảnh minh họa:Pexels. |
Cách để tỉnh táo hơn sau bữa ăn
Để tránh cảm giác buồn ngủ sau khi ăn no, hãy làm những điều dưới đây:
- Lên kế hoạch cho bữa ăn cân bằng: Bữa ăn của bạn nên cân bằng, có sự kết hợp giữa chất xơ, protein và chất béo lành mạnh. Những điều này sẽ giúp ổn định lượng đường trong máu của bạn.
- Ăn khẩu phần nhỏ hơn: Tránh ăn những bữa ăn lớn và nhiều chất ngay cả khi chúng rất hấp dẫn. Hãy ăn những bữa ăn nhỏ hơn và thường xuyên hơn trong ngày.
- Giữ nước: Uống nhiều nước trước và sau bữa ăn. Điều này sẽ giúp bạn tiêu hóa tốt hơn và cũng ngăn ngừa tình trạng mất nước.
- Ăn chậm, nhai kỹ: Nhai thức ăn từ từ và thưởng thức từng miếng. Điều này sẽ cho phép cơ thể bạn phát tín hiệu khi bụng đã no.
- Hạn chế carbohydrate tinh chế: Giảm lượng carbohydrate tinh chế. Đồ uống có ga và thực phẩm như bánh ngọt, bánh ngọt và pizza có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến và giảm nhanh chóng.
- Chọn protein nạc: Lựa chọn các nguồn protein nạc như cá và đậu phụ. Chúng có tác dụng thúc đẩy cảm giác no mà không gây nặng nề như thịt mỡ.
- Điều tiết lượng caffeine: Hạn chế uống đồ uống có chứa caffeine, đặc biệt là gần giờ ăn, để tránh ảnh hưởng giấc ngủ và tiêu hóa.
- Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ: Kết hợp trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt để có lượng chất xơ lành mạnh. Điều này sẽ giúp hỗ trợ tiêu hóa và thúc đẩy cảm giác no.
- Tập thể dục thường xuyên: Tham gia hoạt động thể chất nhẹ nhàng sau bữa ăn, nhưng không phải ngay sau khi ăn. Điều này giúp kích thích tiêu hóa và ngăn ngừa tình trạng uể oải.
- Tránh ăn quá nhiều: Cho dù thức ăn có mùi hay vị ngon đến đâu, hãy lắng nghe tín hiệu no của cơ thể. Tránh ăn quá nhiều để cảm giác mệt mỏi không xâm chiếm.
Theo lifestyle.zingnews