Nhiều bệnh có thể lây truyền gián tiếp
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy, Giảng viên khoa Sinh lý bệnh và Miễn dịch, Đại học Y Dược TP HCM cho biết rất nhiều người nghĩ rằng, đối với các bệnh truyền nhiễm, phải tiếp xúc trực tiếp người bệnh mới bị lây bệnh. Tuy nhiên, dù bạn không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, không mặt đối mặt, tay chạm tay vẫn có nguy cơ mắc bệnh mà không hay biết.
Thực tế, nhiều bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh qua đường hô hấp (cảm, cúm...) và đường tiêu hóa (tiêu chảy...) có thể lây bằng con đường gián tiếp qua vật trung gian, bao gồm bàn tay, hay những vật dụng xung quanh.
Ví dụ, nếu bạn chạm tay lên một bề mặt đã bị lây nhiễm vi khuẩn mang bệnh do trước đó người bệnh (hoặc mầm bệnh) đã tiếp xúc, sử dụng, nhưng không rửa tay lại thì bạn hoàn toàn có nguy cơ bị lây nhiễm.
Vi sinh vật mang bệnh có thể sống nhiều giờ
Sau khi ra khỏi cơ thể người bệnh, nhiều vi khuẩn, virus mang bệnh vẫn có thể sống lâu dài ngoài không khí. Tuổi thọ ngoài không khí của các loại vi sinh vật khác nhau, tùy thuộc vào chất liệu bề mặt, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng...
Ví dụ, vi khuẩn bạch hầu có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể và chịu được khô lạnh. Theo tài liệu của Cục Dự phòng, Bộ Y tế, nếu được chất nhầy bao quanh bảo vệ thì vi khuẩn bạch hầu có thể sống trên đồ vật vài ngày đến vài tuần; trên đồ vải đến 30 ngày; trong sữa, nước uống đến 20 ngày. Tuy nhiên, dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, vi khuẩn này sẽ bị chết sau vài giờ. Dưới ánh sáng khuếch tán, vi khuẩn sẽ bị diệt sau vài ngày. Vì vậy, ngoài lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người mang vi khuẩn bạch hầu, bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Tiến sĩ Phạm Lê Duy dẫn chứng thêm, nCoV cũng có tuổi đời khác nhau ở các môi trường ngoài không khí. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học ở Viện Y tế Quốc gia Mỹ, Đại học Princeton và Đại học California, Los Angeles, virus corona chủng mới có thể tồn tại tới 4 giờ trên vật liệu đồng, 24 giờ trên giấy bìa cứng và 2 - 3 ngày trên nhựa hoặc thép không gỉ. nCoV có thể lây lan qua khí dung (aerosol) cũng như bề mặt tiếp xúc nhiễm khuẩn.
Giải pháp tránh lây bệnh gián tiếp
Tiến sĩ Phạm Lê Duy chia giải pháp làm hai nhóm: quản lý môi trường, bảo vệ cá nhân. Giải pháp quản lý môi trường là không dùng chung đồ đạc, luôn lau chùi thường xuyên những bề mặt mà người bệnh đã từng tiếp xúc bằng dung dịch sát khuẩn. Ngoài ra, người bệnh phải tránh lây nhiễm cho cộng đồng bằng biện pháp phù hợp, như đeo khẩu trang đối với bệnh hô hấp, hay rửa tay thật sạch sau mỗi lần vệ sinh nếu mắc bệnh về đường tiêu hóa.
Trong khi đó, người lành cần tự trang bị kiến thức, cũng như cách bảo vệ bản thân chủ động, hạn chế bị lây nhiễm qua con đường trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, rửa tay với xà phòng là phương pháp hiệu quả, cần được tạo dựng thành thói quen.
Tiến sĩ Phạm Lê Duy nhấn mạnh, bàn tay chính là vật trung gian truyền bệnh rất phổ biến, do đụng chạm nhiều vật dụng, bề mặt xung quanh, sau đó vô tình quẹt lên mắt mũi miệng, cho nên cần rửa tay sạch thường xuyên.
Phân tích sâu hơn về đặc tính của xà phòng, bác sĩ Duy chỉ ra, phân tử xà phòng có một đầu ưa nước, một đầu ưa chất béo. Các loại vi khuẩn, virus có lớp vỏ lipid ưa chất béo, nên khi rửa tay, đầu ưa chất béo của phân tử xà phòng sẽ bị hút vào và khiến lớp vỏ virus vỡ tan ra. Sau đó, xác của vi khuẩn, virus bị tiêu diệt sẽ bị cuốn trôi theo nước. Nhờ tính chất này, xà phòng giúp sạch khuẩn tốt hơn so với nước thường.
Thêm vào đó, khi được sử dụng, xà phòng sẽ tạo bọt và độ nhớt làm mất phần nào độ bám dính của vi khuẩn trên da, và cũng khiến chúng ta phải rửa tay lâu hơn, kỹ hơn, từ đó tăng hiệu quả làm sạch.
Nhằm mang đến một cái nhìn trực quan về sự lây lan khó kiểm soát của vi khuẩn hay virus trong môi trường sống xung quanh, bác sĩ Phạm Lê Duy vừa thực hiện các thử nghiệm mô phỏng khả năng lây lan gián tiếp của vi sinh vật mang bệnh qua các bề mặt, từ đó cho thấy tầm quan trọng của việc rửa tay bằng xà phòng thường xuyên.
Theo vnexpress