leftcenterrightdel
Phụ nữ sinh con rồi hoàn toàn có thể tiêm phòng HPV nếu vẫn trong độ tuổi được chỉ định chủng ngừa. Ảnh minh họa 

Đặc biệt, 27 - 45 là độ tuổi có nhiều hoạt động tình dục, càng tạo điều kiện cho HPV lây nhiễm.

Mở rộng nhóm cần tiêm chủng

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thông tin, việc mở rộng chỉ định nhóm tiêm vắc-xin HPV đã được Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành và nguyên liệu làm thuốc đối với vắc-xin, sinh phẩm xem xét, đánh giá. HPV là nguyên nhân chính gây ra nhiều loại bệnh ung thư khác nhau như ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo, hậu môn, hầu họng.

HPV là một loại virus gây u nhú ở người chủ yếu lây truyền qua đường tình dục. Có đến 14 tuýp HPV nguy cơ cao có thể gây nên các bệnh ung thư nguy hiểm. Hiện nay, có thể chủ động dự phòng ung thư cổ tử cung bằng cách tầm soát định kỳ và chủ động phòng ngừa HPV.

Gardasil 9 là vắc-xin được chỉ định cho bé gái và phụ nữ từ 9 - 45 tuổi để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo và hậu môn; các tổn thương tiền ung thư hoặc loạn sản; mụn cóc sinh dục gây ra bởi Human Papilomavirus (HPV).

Tương tự, vắc-xin này cũng được chỉ định cho bé trai và nam giới từ 9 - 45 tuổi để phòng ngừa ung thư hậu môn, các tổn thương tiền ung thư hoặc loạn sản hậu môn; tổn thương bộ phận sinh dục ngoài (bao gồm cả mụn cóc sinh dục) gây ra bởi HPV. Vắc-xin Gardasil 9 do hãng dược phẩm MSD (Mỹ) sản xuất, được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt năm 2021.

Human Papillomavirus (HPV) là virus lây truyền qua đường tình dục. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người có hoạt động tình dục đều sẽ nhiễm virus này vào một thời điểm trong đời, thường không có triệu chứng. Ước tính HPV gây ra khoảng 620.000 ca ung thư ở phụ nữ và 70.000 ca ở nam giới năm 2019.

WHO khuyến cáo, vắc-xin là cách tốt nhất để ngăn nhiễm HPV và mắc các bệnh ung thư liên quan virus này, nên được tiêm cho trẻ 9 - 14 tuổi, trước khi hoạt động tình dục.

HPV lây nhiễm cho mọi lứa tuổi, nên việc tiêm vắc-xin phòng ngừa các bệnh ung thư gây ra do HPV là việc rất cần thiết cho tất cả trẻ em và người lớn, kể cả người chưa từng quan hệ tình dục hoặc người lớn, người thuộc nhóm tuổi trung niên.

Phụ nữ sau sinh có thể tiêm chủng

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC cho biết, HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục rất phổ biến. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý tổn thương tiền ung thư và ung thư như ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, các u nhú ở đường sinh dục như mụn cóc sinh dục, sùi mào gà ở cả hai giới nam và nữ.

Thống kê cho thấy, có khoảng 80% phụ nữ và 90% nam giới có quan hệ tình dục tại một thời điểm cụ thể trong đời, sẽ bị nhiễm ít nhất một loại HPV. HPV là nguyên nhân gây ra hơn 90% mụn cóc sinh dục, 99% bệnh ung thư cổ tử cung, 90% ung thư hậu môn, 65% ung thư âm đạo, 50% ung thư âm hộ và 45 - 90% ung thư vòm họng.

Virus lây truyền qua tiếp xúc da kề da hoặc da với niêm mạc. Lây truyền qua đường tình dục như âm đạo, hậu môn hoặc miệng với người có virus được ghi nhận nhiều nhất. Tuy nhiên, virus cũng được chứng minh có thể lây qua các con đường không qua đường tình dục như tiếp xúc với dụng cụ, đồ vật dính mầm bệnh, lây truyền từ mẹ sang con…

Bác sĩ Chính dẫn chứng, theo các chuyên gia, ước tính có khoảng 25% nam giới và 20% nữ giới trong độ tuổi từ 18 - 59 bị nhiễm chủng HPV gây ung thư. Hầu hết các trường hợp nhiễm HPV đều không có triệu chứng và có thể tự đào thải virus sau khoảng thời gian từ 6 - 24 tháng.

Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ khoảng 20% virus không được đào thải và phát triển thành mụn cóc sinh dục (sau 6 - 10 tháng) và các loại ung thư cổ tử cung, hậu môn, dương vật, âm đạo, âm hộ và hầu họng, thường là sau vài chục năm (trung bình 20 - 25 năm) hoặc có thể ngắn hơn tùy vào từng cá thể.

Đồng thời, HPV rất dễ tái nhiễm, tức là sau khi cơ thể đào thải virus vẫn có thể nhiễm lại. Đặc biệt, 27 - 45 là độ tuổi có nhiều hoạt động tình dục, thậm chí có những người có đời sống tình dục “phóng khoáng”, thiếu an toàn càng tạo điều kiện cho HPV lây nhiễm.

Theo chuyên gia này, việc Bộ Y tế mở rộng cơ hội phòng bệnh cho người lớn từ 27 - 45 tuổi sẽ giúp tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin. Qua đó, mở ra cơ hội phòng bệnh cho các nhóm tuổi từ trẻ em, trẻ vị thành niên đến lứa tuổi trung niên, giảm nguy cơ mắc bệnh và lây lan trong cộng đồng trong bối cảnh các bệnh ung thư ngày càng tăng và trẻ hóa.

Nhiều người đặt câu hỏi về việc, phụ nữ sinh con rồi có thể tiêm vắc-xin HPV không. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Văn Mác Toàn, Hệ thống Tiêm chủng VNVC cho biết, vắc-xin phòng HPV chống chỉ định với phụ nữ mang thai, nhưng không chống chỉ định với người đã quan hệ tình dục hay sinh con. Sau khi sinh xong, hoàn toàn có thể bắt đầu tiêm vắc-xin HPV hoặc tiếp tục lịch tiêm đang tạm hoãn khi phát hiện mang thai.

Chuyên gia này cho biết, phụ nữ sinh con rồi hoàn toàn có thể tiêm phòng HPV nếu vẫn trong độ tuổi được chỉ định chủng ngừa. Vắc-xin HPV không chống chỉ định với phụ nữ đã quan hệ tình dục hoặc thậm chí đã sinh con. Các tổ chức y tế hàng đầu quốc tế như WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC)… đều khuyến cáo vắc-xin ngừa HPV có thể tiêm phòng cho tất cả mọi người đến 45 tuổi.

“Vắc-xin ngừa HPV đạt hiệu quả tối ưu nếu được tiêm trước khi bắt đầu hoạt động tình dục lần đầu. Hiệu quả này sẽ giảm đi nếu bắt đầu tiêm hoặc hoàn thành lịch tiêm vắc-xin ngừa HPV sau khi quan hệ tình dục hoặc có con. Bởi, sau khi quan hệ tình dục, phụ nữ có thể lây nhiễm một hoặc một số các tuýp HPV nhất định từ bạn tình”, bác sĩ Toàn giải thích.

Theo chuyên gia này, khi đó, hiệu quả tiêm vắc-xin ngừa HPV sẽ bị suy giảm do cơ thể người tiêm không được bảo vệ khỏi sự tấn công của các tuýp HPV đã nhiễm trước đây. Tuy nhiên, vắc-xin HPV vẫn có hiệu quả bảo vệ người tiêm khỏi các tuýp HPV còn lại có trong vắc-xin và ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm.

Theo giaoducthoidai