leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Loãng xương là một rối loạn chuyển hóa của cơ thể, khi chất khoáng trong xương bị suy giảm, cấu trúc xương bị suy thoái sẽ dẫn đến nguy cơ gãy xương. Loãng xương phát triển thầm lặng, thường không có dấu hiệu rõ ràng nên rất khó phát hiện và thường chỉ được phát hiện khi có một vài biểu hiện cụ thể như đau cột sống, cột sống bị biến dạng, gãy xương... Đau cột sống có thể đi kèm với tiếng kêu rắc rắc, thậm chí đau đớn mỗi khi cơ thể vận động.

Nếu phụ nữ bị loãng xương nhiều năm, cột sống bị biến dạng sẽ khiến đốt sống xẹp, lưng còng, giảm chiều cao. Tình trạng loãng xương khiến xương yếu đi, do đó có thể bị gãy xương chỉ với một va chạm nhẹ. Gãy xương rất nguy hiểm bởi người bệnh có thể gặp phải các biến chứng do nằm lâu, khiến khả năng vận động trở lại bị ảnh hưởng. Do đó, làm cách nào để phòng ngừa loãng xương và gãy xương ở phụ nữ là mối quan tâm của nhiều người.

Cách phòng ngừa và điều trị loãng xương

Phụ nữ cần phòng ngừa loãng xương càng sớm càng tốt để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương khi đến tuổi mãn kinh. Cách phòng ngừa loãng xương đầu tiên và quan trọng nhất ở mọi lứa tuổi là đảm bảo cung cấp đủ canxi và vitamin D.

Vitamin D giúp hấp thụ canxi trong cơ thể và đóng một số vai trò trong việc cải thiện sức khỏe của xương. Thiếu vitamin D làm tăng nguy cơ mất xương. Người trưởng thành cần từ 400 đến 1.000 UI vitamin D mỗi ngày để giúp cơ thể hấp thụ canxi. Do vậy, phụ nữ nên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào lúc sáng sớm để hấp thụ ánh nắng, giúp kích thích sản xuất vitamin D để cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn.

Thiếu canxi dẫn đến loãng xương, giòn xương và gãy xương đột ngột. Vì vậy, phụ nữ cần cung cấp lượng canxi đủ cho cơ thể để giúp hạn chế loãng xương bằng cách bổ sung hợp lý sữa và các chế phẩm từ sữa, cá béo, lòng đỏ trứng, ngũ cốc, các loại hạt, bông cải xanh, sữa đậu nành...

Các chất dinh dưỡng khác như protein, vitamin C và K rất hữu ích trong việc ngăn ngừa loãng xương. Protein giúp xây dựng khối lượng cơ và tăng khả năng hấp thụ canxi của cơ thể. Vitamin C và K rất quan trọng đối với sức khỏe của xương, chúng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất collagen và hạn chế quá trình tiêu xương.

Tiêu xương xảy ra sau khi tế bào hủy xương đã phá vỡ xương, giải phóng các khoáng chất như canxi vào máu, giúp chữa lành những tổn thương vi mô thông thường xảy ra đối với xương ở phụ nữ vào độ tuổi trung niên.

Ngoài việc bổ sung các chất dinh dưỡng cho xương, phụ nữ cũng cần tránh sử dụng các sản phẩm làm giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể dẫn đến mật độ xương thấp, gây loãng xương như thuốc lá, cà phê, rượu bia...

Tập thể dục như nâng tạ, đi bộ, đi bộ đường dài, chạy bộ và khiêu vũ... cũng là một trong những biện pháp giúp hạn chế loãng xương, giúp xương khỏe mạnh hơn, sức mạnh cơ bắp được tăng cường. Chị em bước vào độ tuổi mãn kinh thường bị tăng cân, vì vậy duy trì cân nặng hợp lý cũng là biện pháp giúp điều trị loãng xương.

Ngoài thực hiện những biện pháp trên, việc tầm soát cũng được khuyến nghị để đảm bảo sức khỏe của xương. Phụ nữ nên khám sàng lọc loãng xương sớm và những người có tiền sử gia đình bị yếu xương, có bệnh xương khớp nên khám sàng lọc 2 lần/năm. Mỗi người có tình trạng loãng xương khác nhau, vì vậy tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ tư vấn loại thuốc điều trị phù hợp.

Hải Đường