1. Nhiễm HPV là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung
Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung được chứng minh là do sự tồn tại của virus HPV. HPV là từ viết tắt của Human Papilloma Virus, là loại virus gây u nhú ở người, lây truyền phổ biến nhất qua quan hệ tình dục và là yếu tố có liên quan đến 90% các trường hợp ung thư cổ tử cung.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, 90-100% ung thư cổ tử cung có HPV dương tính.
Mặc dù có tới hơn 200 type HPV khác nhau, nhưng chỉ khoảng 40 type lây nhiễm ở đường sinh dục và ít nhất 15 type liên quan đến ung thư. Một số loại HPV có thể gây ra mụn cóc (u nhú) trên hoặc xung quanh bộ phận sinh dục và hậu môn của cả nam và nữ, ở cổ tử cung và trong âm đạo phụ nữ.
Một số loại HPV được coi là có nguy cơ cao vì chúng có thể gây ung thư bởi vì chúng có nhiều khả năng phát triển thành ung thư theo thời gian. Các loại HPV nguy cơ cao phổ biến bao gồm HPV 16 và 18.
2. Nguy cơ ung thư cổ tử cung tăng lên nếu phụ nữ có quan hệ tình dục sớm
Ngoài nguyên nhân hàng đầu do nhiễm HPV, một số yếu tố nguy cơ khác như: Quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình, nhiễm Chlamydia, suy giảm miễn dịch, hút thuốc lá… cũng có thể góp phần gây ung thư cổ tử cung. Trong đó, nguy cơ do quan hệ tình dục sớm có liên quan đến HPV.
Theo BSCKI Hoàng Trọng Điểm, chuyên khoa Ung bướu, trong các yếu tố nguy cơ gây ung thư cổ tử cung có thể kiểm soát, phòng ngừa được thì lây nhiễm HPV qua quan hệ tình dục là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của ung thư cổ tử cung.
Loại virus này có thể lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc da với da, đặc biệt là lây lan qua quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn, thậm chí cả đường miệng.
Một số yếu tố liên quan đến tiền sử tình dục có thể làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung bởi việc tăng khả năng tiếp xúc với HPV là quan hệ tình dục khi còn trẻ, quan hệ tình dục không an toàn, có nhiều bạn tình.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tuổi mà phụ nữ có quan hệ tình dục đầu tiên cũng được coi là một yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung vì tổn thương có thể gây ra cho cổ tử cung vào thời điểm nó vẫn đang phát triển. Nguy cơ nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung ở phụ nữ bắt đầu quan hệ tình dục khoảng 15 tuổi đã được chứng minh là cao gấp đôi so với những người quan hệ tình dục sau 20 tuổi.
Nhiễm víu gây u nhú ở người thường xảy ra ngay sau lần sinh hoạt tình dục đầu tiên và nó có nhiều khả năng xảy ra ở phụ nữ vị thành niên hơn phụ nữ lớn tuổi vì quá trình biến chất vảy của vùng chuyển đổi cổ tử cung hoạt động mạnh hơn trong thời niên thiếu và là cơ hội dễ bị lây nhiễm HPV.
Cũng có bằng chứng cho thấy những người từng là nạn nhân của lạm dụng tình dục khi còn nhỏ có tỷ lệ phát hiện HPV ở bộ phận sinh dục cao hơn những người không có tiền sử như vậy.
Phụ nữ trải qua hoạt động tình dục lần đầu khi còn trẻ và sau đó bị nhiễm HPV có thể có nguy cơ gây ung thư cao hơn theo thời gian nếu tình trạng nhiễm trùng này kéo dài.
3. Biện pháp tốt nhất là tiêm vaccine phòng HPV
Nhiễm HPV không có cách điều trị khỏi nhưng có đã vaccine phòng ngừa. Hiện nay đã có vaccine phòng ngừa những type HPV gây bệnh phổ biến nhất.
Vaccine phòng HPV hoạt động tốt nhất nếu được tiêm trước khi tiếp xúc với HPV. Vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên tiêm phòng cho các bé gái từ 9-14 tuổi, khi hầu hết chưa bắt đầu hoạt động tình dục. Cần tiêm đầy đủ 3 mũi theo đúng lịch để đảm bảo hiệu lực của thuốc.
Một nghiên cứu ở Anh cũng cho thấy, các bé gái được tiêm phòng HPV càng sớm thì nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung trong tương lai của họ càng thấp.
Theo đó, đối với những trẻ em gái được tiêm phòng HPV ở độ tuổi 12-13, nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung thấp hơn 87% so với những trường hợp không được tiêm phòng. Tỷ lệ này thấp hơn 62% ở những người được tiêm phòng ở độ tuổi 14-16 và thấp hơn 34% ở những người được tiêm ở độ tuổi 16-18.
Việc tiêm vaccine cho phụ nữ sau lần quan hệ tình dục đầu tiên có thể ngăn ngừa tái nhiễm hoặc tái kích hoạt bệnh với các loại virus có trong vaccine.
Tiêm vaccine phòng HPV là biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung.
Cần lưu ý, những phụ nữ đã được tiêm vaccine phòng ngừa ung thư cổ tử cung vẫn cần được khám và tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ để phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư khi nó có khả năng chữa khỏi cao hơn. Những thay đổi tiền ung thư có thể được phát hiện bằng xét nghiệm và được điều trị kịp thời để ngăn ngừa ung thư phát triển. |
Theo suckhoedoisong.vn