Lý do WHO khuyến nghị tăng thuế với đồ uống có đường, có cồn
Cập nhật lúc 23:56, Thứ năm, 07/12/2023 (GMT+7)
Hơn 100 quốc gia áp thuế với các loại đồ uống có đường (SSB), theo báo cáo được công bố gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
|
|
WHO kêu gọi các nước áp thuế hoặc tăng thuế với đồ uống có cồn và đồ uống có đường. Ảnh minh họa. Ảnh chụp màn hình |
WHO đang kêu gọi các nước áp hoặc tăng thuế với đồ uống có cồn và có đường vì chúng đã được chứng minh là có hại cho sức khỏe, Reuters đưa tin.
Ở châu Á, các nước như Ấn Độ, Thái Lan đều có đánh thuế với các mặt hàng như vậy.
“Trên toàn cầu, 2,6 triệu người chết vì uống rượu mỗi năm và hơn 8 triệu người chết vì chế độ ăn uống không lành mạnh. Việc đánh thuế rượu và đồ uống có đường sẽ làm giảm số ca tử vong này” - WHO nêu trong thông cáo.
Tiến sĩ Rudiger Krech - quan chức của WHO - cho biết: “Việc đánh thuế các sản phẩm không lành mạnh sẽ giúp dân số khỏe mạnh hơn. Nó có tác động lan tỏa tích cực đến toàn xã hội - ít bệnh tật và suy nhược hơn, đồng thời mang lại doanh thu để các chính phủ cung cấp dịch vụ công”.
Báo cáo toàn cầu của WHO về thuế đồ uống có đường năm 2023, công bố vào ngày 5.12 nhấn mạnh, “bằng chứng hỗ trợ việc đánh thuế hoặc tăng thuế với SSB là rất chắc chắn”.
WHO nêu rõ, SSB “là một trong những nguồn cung cấp đường tự do hàng đầu ở nhiều quốc gia, đồng thời cung cấp rất ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng bổ sung”.
“Việc tăng lượng SSB nạp vào cơ thể có liên quan đến việc tăng nguy cơ thừa cân và béo phì cũng như các kết quả bất lợi về sức khỏe, bao gồm tiểu đường Type 2, bệnh tim mạch, sâu răng và loãng xương” - WHO cho hay.
Nghiên cứu chỉ ra, so với việc tăng giá, áp thuế tiêu thụ đặc biệt áp với SSB dẫn đến mức tiêu thụ giảm tương ứng và đôi khi cao hơn.
Theo WHO, thuế với SSB cần phải đủ cao để tạo ra những thay đổi đủ lớn về giá nhằm thay đổi khả năng chi trả cơ bản cho sản phẩm và thuế cũng phải tương ứng với mức thu nhập của một đất nước.
WHO kêu gọi các quốc gia có năng lực thuế đủ mạnh đánh thuế đồ uống dựa trên hàm lượng đường bởi động thái này có thể khuyến khích người tiêu dùng thay thế bằng các sản phẩm thay thế có hàm lượng đường thấp hơn.
Theo WHO, bằng chứng thực nghiệm cho thấy thuế SSB là phương tiện hiệu quả để tăng giá và giảm doanh số bán hàng, đồng thời có thể hỗ trợ giảm lượng đường tự do. WHO luôn khẳng định, về mặt dinh dưỡng, con người không cần đường trong chế độ ăn uống.
Theo laodong