Theo Hội đồng Ung thư Australia, không có nghiên cứu đáng tin cậy nào chỉ ra mối liên hệ giữa việc mặc hoặc không mặc áo ngực và nguy cơ phát triển ung thư vú. Có ý kiến cho rằng áo ngực có gọng gây ra ung thư vú do cản trở dòng chảy của bạch huyết, tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh cho lý thuyết này.
Mặc áo ngực đi ngủ là lựa chọn của mỗi cá nhân và bạn có thể chọn làm như vậy mà không lo tăng nguy cơ ung thư.
Một nghiên cứu mới được công bố trực tuyến trên tạp chí Ung thư, Dịch tễ học, Dấu ấn sinh học và Phòng ngừa đã không tìm thấy mối liên hệ nào giữa việc mặc áo ngực và ung thư vú.
Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle (Mỹ) đã phỏng vấn hơn 1.000 phụ nữ mắc các dạng ung thư vú phổ biến nhất. Họ cũng phỏng vấn gần 500 phụ nữ được chọn ngẫu nhiên không bị ung thư vú. Các cuộc phỏng vấn đề cập đến các yếu tố nguy cơ ung thư vú và thói quen mặc áo ngực.
Theo Đại học Y Harvard (Mỹ), Các nhà nghiên cứu đã không tìm thấy mối liên hệ nào giữa nguy cơ bị ung thư vú và bất kỳ khía cạnh nào của việc mặc áo ngực, bao gồm cả kích cỡ cúp ngực, sử dụng áo ngực có gọng, tuổi lần đầu sử dụng áo ngực và số giờ mặc áo ngực trung bình mỗi ngày.
Tại Mỹ, hầu hết phụ nữ mặc áo ngực để nâng đỡ ngực. Mặc áo ngực có thể làm giảm căng dây chằng Cooper và giảm đau lưng. Tác dụng hỗ trợ ngực liên quan đến áo ngực cũng làm giảm nguy cơ tổn thương mô mỡ ở vú liên quan đến hoạt động thể chất mạnh mẽ và giảm các triệu chứng đau khó chịu ở phụ nữ đang cho con bú.
Ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi bệnh càng cao. Ung thư vú có thể chữa khỏi 100% nếu được phát hiện ở giai đoạn tiền lâm sàng. Tỷ lệ sống thêm sau 5 năm giảm dần khi bệnh được phát hiện và điều trị muộn hơn.
Những dấu hiệu cảnh báo ung thư vú gồm:
- Khối u không đau ở ngực.
- Thường xuyên bị ngứa và rát quanh núm vú.
- Núm vú bị rỉ máu, tiết dịch khác thường hoặc thụt vào, co lại.
- Làn da trên vú bị sần da cam, dày lên hoặc bị lún xuống, có nếp gấp.
- Có hạch ở hố nách.
Theo dantri.com.vn