Viêm gan C (HCV) là tình trạng nhiễm trùng gan, gây ra bởi virus viêm gan C. Phần lớn các trường hợp viêm gan C không có triệu chứng nên bệnh nhân rất lo lắng liệu những người sống cùng gia đình có lây nhiễm không. Và bệnh viêm gan C lây truyền như nào?
Viêm gan C có 7 kiểu gen và 67 kiểu phụ đã được xác định. Trong đó, kiểu gen 1 và 6 là 2 kiểu gen thường gặp nhất tại Việt Nam. Virus viêm gan C gây ra bệnh viêm gan C cấp tính và mạn tính.
Viêm gan C cấp tính thường không có triệu chứng, khoảng 15-45% trường hợp nhiễm virus có thể tự khỏi trong vòng 6 tháng kể từ khi nhiễm virus mà không cần điều trị gì. Số còn lại có thể diễn tiến thành viêm gan C mạn tính. Nguy cơ xơ gan do viêm gan C mạn tính là 15-30% trong vòng 20 năm.
Theo ước tính của WHO về bệnh viêm gan C trên toàn cầu có khoảng 58 triệu người bị nhiễm virus viêm gan C mạn tính. Trong đó có khoảng 1,5 triệu ca nhiễm mới mỗi năm.
Đường lây truyền viêm gan C
Virus HCV có thể lây lan từ người này sang người khác qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Tiếp xúc với máu của người bị nhiễm (sử dụng chung dao cạo râu, kéo, bàn chải đánh răng, bông băng vệ sinh, băng vết thương).
Tất cả những tình huống (trong hay ngoài y khoa) có sử dụng hay tái sử dụng những dụng cụ không được vô trùng cẩn thận như những trường hợp sau: Dùng chung kim tiêm hay ống chích; Bị kim tiêm đâm phải (ví dụ như khi y tá tiêm thuốc); Xăm mình, châm cứu xỏ lỗ tai không vô trùng.
Ngoài ra, bệnh viêm gan C còn truyền bệnh qua những hành vi tình dục có nguy cơ cao gây chảy máu, giao hợp lúc có kinh; Sử dụng những vật dụng vệ sinh cá nhân bị nhiễm; Truyền từ mẹ sang con (hiếm gặp)… Tuy nhiên, ở một số người, không biết được đường lây nhiễm.
Viêm gan C tác hại tới gan
Viêm gan C là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhiều người mắc bệnh mà không phát hiện ra do triệu chứng của bệnh không rõ ràng như sốt, đau bụng mệt mỏi.
Khi vào cơ thể, HCV sẽ gây ra phản ứng viêm, khiến sưng phồng, dần dần mô gan được thay thế bằng mô sẹo – không thể thực hiện các chức năng của gan, sau nhiều năm tổn thương có thể dẫn tới tử vong. Bệnh nhân có nhiều mô sẹo thì tổn thương gan càng nặng.
Có 4 giai đoạn chính trong tổn thương gan: 3 giai đoạn đầu, gan vẫn có thể hoạt động do vẫn còn mô gan khỏe mạnh nhưng giai đoạn 4 (xơ gan) thì gan đã bị tổn thương quá nặng, có thể ngừng làm việc hoàn toàn. Trong viêm gan C, đôi khi gan đã bị tổn thương nhưng chức năng gan vẫn bình thường.
Làm thế nào để tránh lây bệnh viêm gan C cho người khác?
Theo WHO, viêm gan C không bị lây (hay truyền bệnh) khi hắt hơi, ho, hôn, ăn chung chén bát, sử dụng chung nhà vệ sinh hay qua những hành vi giao tiếp thông thường, vậy nên những người trong gia đình bệnh nhân không nên quá lo lắng.
Tuy nhiên, người bệnh viêm gan C cần thực hiện một số biện pháp để đề phòng lây bệnh cho người khác:
- Tránh dùng chung kim tiêm hay những vật dụng tương tự (như xăm mình, tiêm chích thuốc, kim châm cứu…);
- Tránh những hành vi tình dục có nguy cơ cao gây chảy máu và tránh giao hợp khi hành kinh (sử dụng bao cao su làm giảm nguy cơ).
- Tránh sử dụng chung những vật dụng vệ sinh cá nhân (bàn chải đánh răng, dao cạo, cắt móng tay) vì chúng có thể dây máu.
- Điều quan trọng là cần suy nghĩ về khả năng lây bệnh cho người khác vì hai lý do: Có thể tránh được nguy cơ một khi đã khỏi bệnh; Có thể tránh được việc truyền bệnh cho người khác.
Tóm lại: Viêm gan C là một bệnh lý nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng như: Viêm gan mạn tính; Xơ hóa gan; Xơ gan; Suy gan; Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC); Biểu hiện ngoài gan nặng...
Nam giới trên 50 tuổi, uống rượu bia, bị bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan B, đồng nhiễm HIV hoặc đang điều trị bằng các thuốc ức chế miễn dịch có nguy cơ cao tiến triển thành xơ gan sau khi nhiễm virus viêm gan B,C
Điều đặc biệt hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh viêm gan C, vì vậy cách duy nhất để phòng ngừa là tránh lây nhiễm virus HCV. Không sử dụng chung kim tiêm. Quan hệ tình dục an toàn. Tránh tiếp xúc với máu. Xử lý thiết bị, dụng cụ y tế đúng cách. Không dùng chung các vật dụng cá nhân có thể dính máu. Thận trọng khi xăm và xỏ khuyên. Hạn chế du lịch đến khu vực lưu hành virus HCV.
Tất cả mọi người từ 18 tuổi trở lên nên tầm soát viêm gan C. Ngoài ra, phụ nữ mang thai và người có yếu tố nguy cơ nhiễm HCV cũng nên làm xét nghiệm này. Ở người có yếu tố nguy cơ cần kiểm tra HCV định kỳ miễn là vẫn còn các yếu tố nguy cơ.
Việc tầm soát để phát hiện sớm nhiễm virus là rất quan trọng để tăng cơ hội được điều trị và hạn chế tối đa các biến chứng.
|
Theo suckhoedoisong.vn