Mạch đập ở thái dương có cảm giác như nào? Có nguy hiểm không?
Mạch đập mà bạn cảm thấy ở thái dương là bình thường và xuất phát từ động mạch thái dương nông, một nhánh của động mạch cảnh ngoài. Nơi dễ nhất để cảm nhận mạch đập này là đặt nhẹ ngón tay của bạn nên thái dương - nằm cạnh chỗ lõm nhất xát ngay ngoài mỏm ổ mắt xương gò má. Với lực ấn nhẹ, bạn có thể đo mạch đập giống như bạn có thể làm trên cổ tay.
Nếu bạn cảm thấy mạch máu ở thái dương đập mạnh kèm theo đau ở khu vực này mặc dù có hoặc không chạm vào, thì đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề y tế.
Động mạch thái dương có bị xơ vữa không?
Vì những lý do không rõ ràng, xơ vữa động mạch hiếm khi phát triển ở động mạch thái dương, vì vậy bạn không cần phải lo lắng rằng động mạch này bị tắc nghẽn.
Mạch máu ở thái dương đập mạnh do đâu?
Như đã đề cập, cảm thấy mạch đập ở thái dương là bình thường. Tuy nhiên, mạch máu ở thái dương đập mạnh hoặc nhanh hơn kèm theo cảm giác khó chịu có thể chỉ ra tình trạng cụ thể cần điều trị.
1. Đánh trống ngực
Đánh trống ngực là tình trạng bạn cảm thấy tim không đập hoặc tim đập nhanh và đập mạnh. Đôi khi căng thẳng, lo lắng hoặc gắng sức có thể khiến bạn bị nhịp tim nhanh hoặc đánh trống ngực kết hợp với đau và áp lực ở thái dương, điều này khiến mạch máu ở thái dương đập mạnh và nhanh hơn.
Đánh trống ngực có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ngay cả khi bạn đang nghỉ ngơi hoặc làm các hoạt động bình thường. Mặc dù có thể gây giật mình, nhưng đánh trống ngực thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, đôi khi triệu chứng này có thể liên quan đến nhịp tim bất thường và cần được điều trị.
Nhịp tim nhanh là bao nhiêu?
Phạm vi bình thường cho nhịp tim khi nghỉ ngơi là 60 đến 100 nhịp mỗi phút. Nhịp tim nhanh là trên 100 nhịp mỗi phút. Hoạt động thể chất bình thường có thể làm tăng nhịp tim của bạn lên đến 150 đến 170 nhịp mỗi phút.
Nhịp tim nhanh hay đánh trống ngực thường không cần điều trị. Nhưng bạn nên tìm ra nguyên nhân vì đây cũng có thể là triệu chứng của các bệnh lý liên quan đến tim.
Nếu lo lắng hoặc căng thẳng gây ra chứng tim đập nhanh, bạn có thể kiểm soát triệu chứng bằng các hoạt động làm dịu như yoga, thiền hoặc bài tập chánh niệm tập trung vào hơi thở.
|
|
Các nguyên nhân gây đánh trống ngực cũng có thể ảnh hưởng đến động mạch ở thái dương (Ảnh: Internet) |
2. Đau đầu do căng thẳng
Đau đầu do căng thẳng là loại đau đầu phổ biến. Cơn đau đầu do căng thẳng có cảm giác như có một dải băng chặt quấn quanh đầu bạn, gây áp lực lên trán và thái dương, có thể khiến mạch máu ở thái dương đập mạnh hoặc khiến mạch máu co giật ở thái dương trái hoặc phải.
Đau đầu do căng thẳng cũng gây đau nhức hoặc căng cứng cơ cổ và cơ vai, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.
Khi bạn bị đau đầu do căng thẳng, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc có thể áp dụng một số biện pháp tự nhiên như nghỉ ngơi, uống đủ nước, tránh ánh sáng mạnh, mát-xa đầu.
3. Đau nửa đầu
Đau nửa đầu là chứng đau đầu dữ dội gây ra cơn đau nhói kéo dài, có thể cảm thấy cơn đau ở thái dương cũng như các vùng khác trên đầu. Tình trạng này có thể khiến mạch máu ở thái dương đập mạnh hoặc co giật thuỳ thái dương và kèm theo đau nhức.
Giai đoạn đau đầu của chứng đau nửa đầu thường kéo dài ít nhất 4 giờ, nhưng cũng có thể kéo dài trong nhiều ngày. Cơn đau đầu này trở nên tồi tệ hơn khi: hoạt động thể chất, ánh sáng chói, tiếng ồn lớn và mùi hương nồng nặc.
Các phương pháp điều trị đau nửa đầu bao gồm uống thuốc, tránh các tác nhân gây đau nửa đầu. Bạn cũng nên nghỉ ngơi, uống đủ nước để cơn đau thuyên giảm nhanh chóng hơn.
|
|
Đau nửa đầu gây đau nhói kèm theo cảm nhận mạch máu ở thái dương đập mạnh (Ảnh: Internet) |
4. Viêm động mạch thái dương
Nếu bạn cảm thấy mạch đập ở thái dương có thể mạnh hoặc nhẹ (nhưng phần lớn là đập nhẹ, đôi khi không cảm nhận được), đau khi chạm vào thái dương, đây có thể là triệu chứng của viêm động mạch thái dương.
Viêm động mạch thái dương là một dạng viêm mạch (viêm mạch máu) ảnh hưởng đến các động mạch ở da đầu, cổ và cánh tay. Viêm mạch thường gặp nhất là động mạch thái dương (mạch máu gần thái dương), động mạch này bị viêm (sưng) và co thắt (hẹp). Động mạch thái dương cung cấp máu từ tim đến da đầu, cơ hàm và dây thần kinh thị giác. Viêm và hẹp các động mạch này làm gián đoạn lưu lượng máu, dẫn đến tổn thương các cơ quan và mô quan trọng của bạn.
Các triệu chứng khác của viêm động mạch thái dương bao gồm: Sốt, mệt mỏi, chán ăn, mất thị lực, đau ở hàm, đau nhức cơ bắp.
Viêm động mạch thái dương thường được điều trị bằng teroid, chẳng hạn như prednisone. Các phương pháp điều trị sẽ tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
Trên đây là 4 nguyên nhân khiến mạch máu ở thái dương đập mạnh. Nếu chỉ cảm thấy mạch đập bình thường và không đau, bạn không cần lo lắng về tình trạng này. Nhưng nếu mạch máu ở thái dương đập mạnh, nhanh kèm theo đau nhói, đặc biệt kéo dài không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn nên đến bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Vân Anh/Nguồn: Healthline