Dồn lực phòng chống COVID-19 có thể dẫn tới lơ là các căn bệnh nguy hiểm khác như AIDS ở châu Phi - Ảnh: Shutterstock
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cảnh báo rằng việc gián đoạn điều trị AIDS có khiến châu Phi quay trở lại một thập kỷ trước với hơn 950.000 ca tử vong.
Trong năm 2018, ước tính có khoảng 470.000 người chết vì các bệnh liên quan đến AIDS ở 46 quốc gia châu Phi, theo WHO.
"Viễn cảnh khủng khiếp hơn nửa triệu người châu Phi chết vì các bệnh liên quan đến AIDS giống như bước lùi vào lịch sử. Chúng tôi xem điều này như lời cảnh tỉnh để các quốc gia xác định duy trì tất cả dịch vụ y tế quan trọng", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.
Mặc dù tập trung vào dịch COVID-19, ông Tedros cho biết "chúng ta vẫn phải đảm bảo nguồn cung toàn cầu cho xét nghiệm và điều trị HIV và lao phổi cho những quốc gia cần nhất".
WHO cho biết 6 tháng gián đoạn điều trị có thể dẫn tới số người chết vì AIDS tăng lên hơn 600.000, vượt mục tiêu toàn cầu giới hạn số ca tử vong dưới 500.000 trong năm 2020.
Theo dữ liệu của WHO, ước tính 25,7 triệu người ở châu Phi hạ Sahara đang chung sống với HIV vào năm 2018. Khoảng 64% trong số đó được điều trị bằng thuốc kháng virus.
Những người này có nguy cơ bị gián đoạn điều trị vì lệnh phong tỏa khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn hoặc các dịch vụ y tế bị quá tải.
Ngoài ra, WHO cũng cảnh báo sự gián đoạn điều trị AIDS cũng có thể làm tăng tỉ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con.
Ông Winnie Byanyima, giám đốc điều hành của UNAIDS, cho biết COVID-19 không phải là cái cớ để lơ là AIDS. Có nguy cơ những thành quả chúng ta đạt được trong việc ngăn chặn AIDS sẽ bị COVID-19 đảo ngược.
Ở nhiều quốc gia, các phòng khám điều trị AIDS và các bệnh khác đã được chuyển đổi thành nơi điều trị COVID-19.
Các chuyên gia cũng quan ngại rằng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt có thể ngăn mọi người không được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu.
Đã có nhiều quốc gia đình chỉ việc phẫu thuật, tiêm chủng hoặc điều trị các bệnh khác vì COVID-19. Nhiều bệnh nhân cũng tránh đến các cơ sở y tế vì sợ bị lây bệnh.
John Campbell, thành viên cao cấp về nghiên cứu chính sách châu Phi tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại ở Washington cho biết trong cuộc khủng hoảng Ebola, nguồn tài nguyên y tế khan hiếm được sử dụng cho các bệnh như sốt rét và AIDS đã được chuyển hướng sang chiến đấu với Ebola.
Hiện châu Phi chưa bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 như nhiều nơi khác, nhưng số ca nhiễm cũng đang gia tăng mạnh, lên tới hàng trăm ca mỗi ngày.
Không rõ liệu các quốc gia này đang tích cực xét nghiệm hay do COVID-19 đã lây lan trong cộng đồng. Tính đến hết ngày 11-5, đã có hơn 66.000 ca bệnh COVID-19 và 2.330 ca tử vong trên khắp châu Phi.
Theo tuoitre