1. Vai trò của chất điện giải

Chất điện giải là các chất hóa học trong cơ thể được tạo thành từ cả các ion âm và dương. Các chất điện giải rất quan trọng trong việc điều chỉnh nồng độ pH của cơ thể, chức năng thần kinh, cơ bắp và thậm chí xây dựng lại các mô bị tổn thương. Chúng cũng giúp di chuyển chất dinh dưỡng và chất thải ra khỏi tế bào.

Sự mất cân bằng điện giải có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm yếu cơ, lú lẫn và mệt mỏi.

Một số lợi ích và chức năng của chất điện giải trong cơ thể bao gồm:

  • Điều chỉnh cân bằng chất lỏng
  • Thúc đẩy chức năng thần kinh và cơ bắp
  • Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
  • Cải thiện sức mạnh của xương
  • Duy trì sức khỏe não bộ...

Cơ thể có thể nhận được chất điện giải thông qua thực phẩm cũng như đồ uống có chứa chất điện giải. Cụ thể, dưa hấu, dưa chuột, chuối và chanh là những thực phẩm chứa nhiều chất điện giải.

Ăn một chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp cung cấp đầy đủ các chất điện giải cần để có sức khỏe tốt. Tuy nhiên, nếu bị đổ mồ hôi nhiều do lao động, tập thể dục cường độ cao hoặc bị mất nước do tiêu chảy, nôn... có thể cần phải phải bổ sung chất lỏng và chất điện giải. Những thức uống có công thức khoa học này có thể giúp giảm nguy cơ mất nước từ nhẹ đến trung bình.

Một số ví dụ về chất điện giải phổ biến quan trọng đối với sức khỏe bao gồm: Magiê, phosphor, natri, kali, clorua, canxi, bicarbonat.

Mất cân bằng điện giải là gì và khi nào cần bổ sung? - Ảnh 1.

Cơ thể có thể nhận được chất điện giải thông qua thực phẩm cũng như đồ uống có chứa chất điện giải.

2. Các triệu chứng và nguyên nhân của mất cân bằng điện giải

Mức điện giải trong máu được cơ thể điều chỉnh chặt chẽ để giữ chúng ở trạng thái cân bằng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chất điện giải có thể tăng hoặc giảm trên hoặc dưới mức bình thường, có thể gây mất cân bằng điện giải.

Một số yếu tố và điều kiện có thể phá vỡ mức cân bằng điện giải, có thể gây ra những tác động có hại cho sức khỏe, bao gồm:

  • Mất nước do đổ mồ hôi nhiều, tiêu chảy hoặc nôn
  • Rối loạn ăn uống
  • Ăn kiêng
  • Bệnh thận
  • Vết bỏng nặng
  • Suy tim sung huyết
  • Một số loại thuốc, như thuốc nhuận tràng..

Các triệu chứng của sự mất cân bằng điện giải có thể khác nhau dựa trên mức độ nghiêm trọng, các khoáng chất cụ thể bị thiếu hụt. Trong khi sự mất cân bằng nhẹ có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, nhưng những trường hợp nặng có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng và thậm chí có thể gây tử vong.

Các triệu chứng phổ biến của sự mất cân bằng điện giải có thể bao gồm:

  • Nhịp tim không đều
  • Mệt mỏi
  • Yếu cơ
  • Nhức đầu
  • Đau bụng
  • Co giật
  • Táo bón
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Khô miệng
  • Thay đổi tâm trạng
  • Cơn khát tăng dần
  • Nôn
  • Ăn mất ngon...

3. Điều trị mất cân bằng điện giải như thế nào?

Nếu nghi ngờ sự mất cân bằng, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để đo mức điện giải.

Điều trị mất cân bằng điện giải phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Mức độ nhẹ có thể được điều trị bằng các chất bổ sung để mức điện giải trong phạm vi bình thường theo thời gian. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể phải nhập viện và theo dõi.

Dịch truyền tĩnh mạch và thuốc uống có thể được cung cấp để giúp bù nước cho cơ thể và loại bỏ các khoáng chất dư thừa ra khỏi cơ thể một cách nhanh chóng.

Nếu sự mất cân bằng liên quan đến tình trạng sức khỏe mãn tính như bệnh thận, suy tim hoặc vấn đề về tuyến giáp, các bác sĩ chuyên khoa sẽ có kế hoạch điều trị phù hợp.

Mất cân bằng điện giải là gì, khi nào cần bổ sung? - Ảnh 2.

Cần bổ sung chất điện giải trong một số trường hợp như tiêu chảy, nôn...

4. Khi nào cần bổ sung chất điện giải?

Đối với người lớn khỏe mạnh, việc tiêu thụ các chất bổ sung hoặc đồ uống có chất điện giải thường không cần thiết, vì hầu hết có thể đáp ứng nhu cầu bằng cách tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc sử dụng các sản phẩm bổ sung điện giải có thể cần thiết.

Ví dụ, các vận động viên có thể chọn sử dụng đồ uống thể thao có chứa chất điện giải để giúp cân bằng sau các hoạt động thể chất kéo dài. Tiêu thụ nước có chất điện giải cũng có thể có lợi để bổ sung lượng khoáng chất quan trọng bị mất do mất nước do tiêu chảy hoặc nôn.

Tuy nhiên, lạm dụng các chất bổ sung này cũng có thể góp phần làm tăng nồng độ của các khoáng chất quan trọng này, có thể nguy hiểm như thiếu hụt. Do đó, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bổ sung, đặc biệt nếu có bất kỳ tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nào.

5. Rủi ro và tác dụng phụ

Mặc dù hầu hết mọi người có thể đáp ứng nhu cầu thông qua các nguồn thực phẩm lành mạnh, nhưng một số nhóm cần đặc biệt lưu ý:

- Nếu đang dùng các loại thuốc như thuốc lợi tiểu hoặc thuốc nhuận tràng hoặc có bất kỳ tình trạng sức khỏe nào như các vấn đề về thận hoặc suy tim sung huyết, nên theo dõi nồng độ điện giải cẩn thận để tránh mất cân bằng.

- Những người theo chế độ ăn ketogenic cũng nên lưu ý đến lượng nạp vào cơ thể.

Nếu có bất kỳ tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nào, hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế trước khi bổ sung chất điện giải, vì trong một số trường hợp, uống thêm chất điện giải có thể gây hại nhiều hơn lợi.

Nếu uống đồ uống có chất điện giải, hãy nhớ kiểm tra nhãn trước vì một số nhãn hiệu có chứa nhiều thành phần không tốt cho sức khỏe như đường, si-rô ngô có hàm lượng fructose cao…

6. Các nguồn chất điện giải hàng đầu

Một trong những phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất để bổ sung chất điện giải là thực hiện theo một chế độ ăn uống lành mạnh như trái cây, rau, đậu, các loại hạt và hạt.

Những thực phẩm này không chỉ giàu chất điện giải tự nhiên mà còn cung cấp một số chất dinh dưỡng quan trọng khác mà cơ thể cần, bao gồm vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa.

Dưới đây là một số nguồn thực phẩm cung cấp chất điện giải tốt nhất, cộng với lượng khuyến nghị hàng ngày (RDA) cho mỗi loại:

  • Canxi: RDA: 1.300 miligam/ngày. Nguồn: sữa chua, sữa tươi, pho mát, cá mòi đóng hộp, rau lá xanh, hạnh nhân...
  • Natri: RDA: không quá 2.300 miligam/ngày. Nguồn: phô mai, muối ăn, dưa chua, ô liu...
  • Phốt pho: RDA: 1.250 miligam/ngày. Nguồn: thịt, cá, gia cầm, sữa, các loại hạt, các loại đậu...
  • Magiê: RDA: 420 miligam/ngày. Nguồn: các loại hạt, sô cô la đen, bơ, ngũ cốc nguyên hạt, đậu...
  • Kali: RDA: 4.700 miligam/ngày. Nguồn: chuối, khoai tây, rau bina, đậu lăng , đậu, củ cải đường, trái cây... sấy khô
  • Clorua: RDA: 2.300 miligam/ngày. Nguồn: muối ăn, rong biển, cà chua, cần tây, ô liu...

Theo suckhoedoisong.vn