Mắt thường tạo ra nhầy trong suốt cả ngày và đêm để giúp lọc rửa chất bụi, dẫn đến ghèn tụ trong khi ngủ. Một chút ghèn xuất hiện ở góc trong của mắt khi thức dậy được xem là bình thường.
Nhưng nếu trong ngày, ghèn mắt đổ nhiều có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý về mắt. Rất có thể đây là tình trạng viêm nhiễm ở mắt, kèm theo các triệu chứng như đỏ mắt, đau rát, chảy nước mắt, giảm thị lực….
1. Các bệnh thường gặp khi mắt đổ ghèn
- Do viêm kết mạc
Viêm kết mạc là bệnh lý nhiễm trùng mắt do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Tuy không nguy hiểm nhưng bệnh gây nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt người bệnh.
Biểu hiện rõ nét của bệnh viêm kết mạc do virus là lây lan rất nhanh, có thể bùng thành dịch theo mùa nhất định. Khi mắc có biểu hiện tại mắt kết mạc đỏ có thể biểu hiện một hoặc cả hai bên mắt. Các biểu hiện như: Ngứa, dễ chảy nước mắt, mỏi mắt, có cảm giác cộm xốm mắt, có nhiều ghèn và có thể kèm các biểu hiện: Sốt, hắt hơi, ho, viêm họng, nổi hạch.
Khi mắt đổ ghèn và mắt đỏ, đau, nhạy cảm với ánh sáng có thể là các dấu hiệu cho thấy đang bị viêm kết mạc và cần phải dùng kháng sinh để điều trị. Đặc biệt, khi bị chảy gỉ mắt, đau mắt đi kèm với thay đổi tầm nhìn, nên đến bác sĩ để được khám và điều trị cụ thể nhất.
- Do viêm kết mạc dị ứng
Cũng giống như tất cả các bệnh dị ứng khác là hình thái dị ứng nhanh của viêm kết mạc dị ứng khi bệnh nhân tiếp xúc với dị nguyên. Dị nguyên thường là các mỹ phẩm lạ, hóa chất, bụi, phấn hoa, thuốc tra mắt,….
Triệu chứng viêm kết mạc dị ứng xảy ra rất cấp tính. Bệnh nhân có cảm giác bỏng rát trong mắt, ngứa mắt, đau, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, nhiều khi không mở được mắt.
Dấu hiệu ở mắt mi sưng nề, mọng đỏ, kết mạc cương tụ, phù nề mọng nước, chảy nhiều dịch, tiết tố nhầy, phát triển nhú to trên kết mạc sụn mi, đôi khi xuất hiện viêm giác mạc chấm.
Bệnh nhân có biểu hiện ngứa mắt, đau, bỏng rát, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, mi kết mạc phù nề, tiết tố nhầy, nhú viêm trên kết mạc sụn mi.
Các phản ứng dị ứng kết mạc bao gồm chảy nước mắt, sưng, ngứa, đau, đỏ, ghèn thành chuỗi dài khi lau đi. Bệnh thường khỏi sau vài ngày có thể tái phát khi bệnh nhân lại tiếp xúc với dị nguyên gây dị ứng. Để phòng bệnh tránh tiếp xúc với dị nguyên nếu xác định được tác nhân gây dị ứng.
- Do tắc tuyến lệ
Tắc tuyến lệ là bệnh lý thường xảy ra khi hệ thống dẫn lưu nước mắt bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn, khiến nước mắt ngập trong các ống nước mắt, gây ra triệu chứng chảy nước mắt sống làm cho mắt bị nhiễm trùng.
Khi tuyến lệ bị tắc, mắt của người bệnh sẽ bị chảy nước mắt và gỉ mắt nhiều do lượng nước này không được di chuyển xuống các tuyến lệ thông với mũi. Tắc tuyến lệ có thể tự khỏi, nhưng trong trường hợp bệnh nghiêm trọng, kéo dài người bệnh cần tới cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị.
- Do khô mắt
Khô mắt là biểu hiện phổ biến của nhiều người hiện nay, nhất là người sử dụng máy tính nhiều như người làm việc văn phòng. Bệnh khô mắt tuy không quá nguy hiểm nhưng sẽ gây nên triệu chứng mắt mệt mỏi, đỏ, rát giảm hiệu suất làm việc.
Ngoài ra, biểu hiện đổ ghèn đôi khi cũng do mắt bị khô. Chính vì vậy, người mắc khô mắt có thể bị nghiêm trọng dần dần giảm thị lực.
Khi khô mắt, người bệnh luôn có cảm giác đôi mắt bỏng rát, nóng, mệt mỏi nặng trĩu. Những biểu hiện thường thấy là nhìn lờ mờ sau khi chớp mắt, chảy nước mắt liên tục, ra ghèn trắng ở 2 hốc mắt.
- Do nhiễm trùng mắt
Nhiễm trùng mắt là bệnh phổ biến về mắt gây ra bởi vi khuẩn, siêu vi hoặc các tác nhân vi sinh khác làm cho mắt khó chịu, đỏ và sưng lên. Có nhiều loại nhiễm trùng mắt khác nhau, chẳng hạn như viêm bờ mi (viêm giác mạc, lẹo), có thể gây ra sự kích thích mắt, dẫn đến việc mắt đổ ghèn hoặc mắt hoặc mí mắt đỏ, ngứa, sung.
Biểu hiện của mắt đổ ghèn là lông mi bị bết lại và có thể gặp khó khăn khi mở mắt vào buổi sáng. Các trường hợp do virus gây ra sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Đối với các tình trạng nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc nhỏ mắt.
Ngoài ra, tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh hoặc kháng virus dạng uống. Hầu hết các bệnh nhân nhiễm trùng mắt do vi khuẩn có thể chữa khỏi nếu được điều trị đúng cách bởi các bác sĩ kê đơn.
Riêng trẻ sơ sinh có ghèn mắt nhiều có thể đang bị nhiễm trùng mắt. Tuy nhiên, nhiều trường hợp là bình thường, có tới 20% trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ nhưng tự khỏi trong năm đầu tiên. Nếu nhỏ nước muối sinh lý NaCl 0,9% cho trẻ không đỡ cần gặp bác sĩ.
2. Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Một số dấu hiệu mắt đổ ghèn kèm theo các biểu hiện khác như:
- Khó chịu ở mắt; một bên mắt hoặc cả hai bên có dấu hiệu đỏ; nhạy cảm với ánh sáng;
- Có sự thay đổi đột ngột trong việc tiết chất nhầy mắt;
- Mắt bị đau;
- Chất nhầy tiết nhiều sau khi bị chấn thương ở mắt;
- Thay đổi tầm nhìn thì cần phải tới gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị.
3. Lời khuyên thầy thuốc
Đôi mắt luôn nhạy cảm với môi trường xung quanh, đặc biệt là trong một ngày tiếp xúc với vô số tác nhân gây bệnh từ cuộc sống. Vì thế, hãy phòng ngừa triệu chứng mắt đổ ghèn bằng cách: Vệ sinh mắt tốt, tẩy trang điểm vào cuối ngày và giữ cho đôi mắt sạch sẽ, lau đôi mắt nhắm kín bằng một chiếc khăn sạch, ấm.
Dùng nước đun sôi để nguội lau mắt đối với trẻ. Đối với người lớn nên dùng nước muối sinh lý hoặc nước mắt nhân tạo để nhỏ. Cần sử dụng khăn mặt, khăn tắm riêng. Khăn sau mỗi lần sử dụng cần phải được giặt sạch và phơi dưới ánh nắng.
Mỗi khi thức dậy vào buổi sáng mà bạn thấy ghèn mắt thì cũng không phải lo lắng nhiều nữa nhé, vì đây có thể chỉ là một hoạt động sinh lý bình thường của mắt nhằm loại bỏ bụi bám vào mắt từ môi trường bên ngoài.
Để hạn chế tình trạng này, cần đeo kính bảo hộ nếu môi trường lao động nhiều bụi, mang kính bảo vệ mắt khi đi ra ngoài và thỉnh thoảng nên rửa mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý. Tuy nhiên, khi mắt có dấu hiệu bất thường, không nên chậm trễ đến bác sĩ để ngăn ngừa bệnh trở nên tồi tệ.
Theo suckhoedoisong.vn