Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Wendemi Sawadogo cho biết: "Về chức năng sinh học, giấc ngủ là chìa khóa để xử lý ký ức, sửa lỗi tế bào và đào thải các chất độc tích tụ trong ngày".

"Đó là một phần thực sự quan trọng của chức năng cơ thể. Vì vậy, khi xảy ra trục trặc trong hệ thống cơ thể, dẫn tới rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, thì có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe" - Sawadogo cho biết thêm.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, tình trạng mất ngủ là khá phổ biến, ảnh hưởng tới hơn 1/3 dân số Mỹ. Tuy nhiên, họ chưa rõ mất ngủ ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ ra sao, nhưng nghiên cứu trước đây đã cho thấy mất ngủ có thể dẫn tới phản ứng viêm có hại cho cơ thể.

Nghiên cứu mới đã sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu về sức khỏe và hưu trí của người Mỹ trên 50 tuổi và vợ/chồng của họ. Dữ liệu bao gồm hơn 31.000 người không có tiền sử đột quỵ vào thời điểm bắt đầu nghiên cứu.

Mất ngủ có thể gây tăng nguy cơ đột quỵ - Ảnh 1.

Mối liên quan giữa các triệu chứng mất ngủ và đột quỵ thể hiện rõ ràng hơn ở đối tượng trẻ tuổi.

Đối tượng nghiên cứu được hỏi 4 câu hỏi về tần suất khó ngủ, bị thức giấc giữa đêm, thức dậy quá sớm và không thể ngủ lại được. Họ cũng được hỏi về tần suất được nghỉ ngơi vào buổi sáng và được theo dõi trong thời gian trung bình là 9 năm.

Nhóm nghiên cứu đã xem xét đến các yếu tố nguy cơ khác có thể liên quan tới đột quỵ như uống rượu, hút thuốc và hoạt động thể chất.

Kết quả cho thấy, trong thời gian nghiên cứu, có tổng cộng 2.101 cơn đột quỵ xuất hiện ở đối tượng nghiên cứu. Những người có từ 1 đến 4 triệu chứng mất ngủ thì có nguy cơ đột quỵ tăng 16% so với những người không có triệu chứng. Những người có từ 5 đến 8 triệu chứng mất ngủ thì có nguy cơ đột quỵ tăng 51%.

Mối liên quan giữa các triệu chứng mất ngủ và đột quỵ thể hiện rõ ràng hơn ở đối tượng trẻ tuổi, cụ thể người có từ 5 đến 8 triệu chứng thì có nguy cơ đột quỵ cao gấp 4 lần so với những người không có triệu chứng. Với nhóm từ 50 tuổi trở lên, người có triệu chứng mất ngủ thì có nguy cơ đột quỵ cao hơn 38% so với những người không có triệu chứng.

Những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim và trầm cảm cũng có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn.

Tiến sĩ Rajkumar Dasgupta, chuyên gia về giấc ngủ tại Học viện y học giấc ngủ Mỹ, người không thuộc nhóm nghiên cứu cho biết: "Kết quả nghiên cứu mới cho thấy rằng nếu chúng ta tập trung quan tâm tới những ca khó ngủ bằng các liệu pháp hành vi nhận thức, thì chúng ta có thể giảm được số ca đột quỵ".

"Hội Tim mạch Mỹ cũng cho rằng nguy cơ đột quỵ có thể cao hơn nhiều ở những người bị mất ngủ so với những người không bị mất ngủ. Đây là một nghiên cứu quan trọng để nhấn mạnh ý nghĩa của việc xác định và điều trị mất ngủ nhằm giúp giảm tỷ lệ đột quỵ" - Dasgupta cho biết thêm.

Học viện y học giấc ngủ Mỹ đưa ra một số lời khuyên để giúp mọi người có một giấc ngủ ngon, bao gồm:

•  Đảm bảo lịch ngủ đều đặn, kể cả vào cuối tuần và ngày nghỉ.

•  Đi ngủ đủ sớm để đảm bảo ngủ đủ 7-8 tiếng.

•  Nếu không thể ngủ được trong vòng 20 phút, hãy ra khỏi giường và thực hiện một hoạt động yên tĩnh, trong điều kiện thiếu ánh sáng và không sử dụng thiết bị điện tử.

•  Thiết lập thói quen đi ngủ thư giãn, với nhiệt độ dễ chịu và chỉ sử dụng giường ngủ để ngủ.

•  Không ăn quá no trước khi đi ngủ, và tránh dùng đồ uống có caffein vào buổi chiều và tối.

•  Tập thể dục thường xuyên, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tránh uống rượu trước khi đi ngủ, và giảm lượng nước uống trước khi đi ngủ.

Các nhà khoa học cho rằng: "Nếu bản thân đang trải qua các triệu chứng mất ngủ, đừng nghĩ rằng nó sẽ biến mất ngay lập tức vì nó có thể tồn tại trong một thời gian dài. Do đó, hãy sớm đi khám bác sĩ chuyên khoa và cùng tìm giải pháp thích hợp để khắc phục tình trạng mất ngủ".

Theo suckhoedoisong.vn