leftcenterrightdel
 

Tỏi và mật ong

Thành phần đem lại lợi ích sức khỏe của tỏi là allicin, có đặc tính kháng khuẩn và chống lại một số căn bệnh. Allicin trong tỏi được tạo ra khi chúng ta cắt hoặc đập dập tép tỏi tươi. Tuy nhiên, lượng allicin khi đập dập tỏi cũng sẽ bị mất đi nhanh chóng. Vì vậy, để đạt được lợi ích tối đa, mọi người nên sử dụng tỏi tươi đập dập càng sớm càng tốt.

Mật ong tự nhiên có hàm lượng chất chống oxy hóa phong phú được gọi là flavonoid và polyphenol. Những chất này giúp cơ thể chống lại chứng viêm trong cơ thể. Điều này có thể giúp cải thiện hệ miễn dịch và ngăn ngừa một số bệnh tật. Mật ong cũng có khả năng kháng khuẩn, kháng virus và chống nấm.

Lợi ích sức khỏe của tỏi và mật ong

1. Lợi ích trong y học cổ truyền

Các nghiên cứu y học đã nghiên cứu lợi ích sức khỏe riêng lẻ của tỏi và mật ong và lợi ích khi kết hợp chúng với nhau. Trong y học cổ truyền của Ethiopia, loại mật ong đặc trưng của nơi đây được sử dụng để điều trị các vấn đề về hô hấp, nhiễm trùng da và thậm chí là để điều trị tiêu chảy.

Trong y học cổ truyền, tỏi được sử dụng để điều trị cảm lạnh và ho. Tỏi cũng được cho là có thể tăng cường hệ miễn dịch và giúp giảm các triệu chứng hen suyễn. Y học cổ truyền Ả Rập cho rằng tỏi có thể hỗ trợ điều trị bệnh tim, huyết áp cao, viêm khớp, đau răng, táo bón và nhiễm trùng.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: Mật ong và tỏi được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền. 

2. Kháng khuẩn

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm phát hiện ra rằng tỏi và mật ong có thể ngăn chặn sự phát triển của một số loại vi khuẩn. Nghiên cứu đã đánh giá lợi ích của tỏi và mật ong khi tách riêng biệt và lợi ích của chúng khi kết hợp với nhau.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tỏi và mật ong đều có thể tiêu diệt vi khuẩn khi tiến hành thử nghiệm riêng biệt. Tuy nhiên, sự kết hợp của tỏi và mật ong thậm chí còn đem lại tác dụng tốt hơn.

Tỏi và mật ong kết hợp với nhau có thể làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh và gây nhiễm trùng, bao gồm vi khuẩn Streptococcus pneumonia (phế cầu), vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu) và Salmonella (một loại vi khuẩn trong đường ruột).

Một nghiên cứu khác trong phòng thí nghiệm cũng chỉ ra rằng sự kết hợp giữa nước ép tỏi và mật ong thậm chí có thể ngăn chặn các loại nhiễm trùng do vi khuẩn không thể điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Tuy nhiên, các nghiên cứu trên đều là nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và chúng ta vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để tìm hiểu về lợi ích chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn của mật ong và tỏi.

3. Kháng virus

Một số loại mật ong cũng có đặc tính kháng virus mạnh mẽ. Điều này có thể giúp điều trị hoặc ngăn ngừa các bệnh khác do virus gây ra.

Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy mật ong Manuka (một loại mật ong có nguồn gốc từ Úc, New Zealand và Đông Nam Á) có thể ngăn virus cúm phát triển. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng mật ong, đặc biệt là mật ong Manuka, có tác dụng hỗ trợ cơ thể chống lại các loại virus gây bệnh.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa: Một số loại mật ong cũng có đặc tính kháng virus mạnh mẽ.

4. Sức khỏe tim mạch

Một số nghiên cứu lâm sàng và nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã xem xét và đánh giá các lợi ích sức khỏe tim mạch của tỏi. Theo Mayo Clinic (Tổ chức phi lợi nhuận về nghiên cứu, giáo dục và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Mỹ) chất chống oxy hóa trong mật ong cũng có thể đem lại lợi ích cho sức khỏe tim mạch.

Theo một bản đánh giá y khoa, tỏi có tác dụng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ bằng cách điều hòa huyết áp, giảm cholesterol trong máu, ngăn ngừa hình thành cục máu đông và làm mềm các mạch máu.

Một bản đánh giá y khoa khác phát hiện ra rằng các phân tử lưu huỳnh trong tỏi cũng có thể giúp bảo vệ cơ tim khỏi bị tổn thương và tăng tính đàn hồi cho các mạch máu. Điều này giúp phòng ngừa hình thành cục máu đông, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.

Một nghiên cứu trên chuột cho thấy những con chuột được cho ăn bột tỏi hoặc chiết xuất tỏi sống có thể giảm mức cholesterol “xấu” LDL trong máu. Mức cholesterol LDL tăng cao được biết đến là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy vậy, đây chỉ là nghiên cứu trên động vật, chúng ta cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu khác để khẳng định lợi ích giảm cholesterol của tỏi.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: Tỏi kết hợp với mật ong có thể đem lại lợi ích cho sức khoẻ tim mạch. 

5. Tốt cho sức khỏe não bộ

Cả tỏi và mật ong đều chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa. Các hợp chất chống oxy hóa lành mạnh này giúp cân bằng hệ miễn dịch và ngăn ngừa bệnh tật. Các chất chống oxy hóa cũng có thể bảo vệ não bộ khỏi các căn bệnh như sa sút trí tuệ và Alzheimer .

Các nghiên cứu lưu ý rằng chiết xuất tỏi chứa lượng chất chống oxy hóa phong phú được gọi là axit kyolic. Chất chống oxy hóa mạnh mẽ này có thể giúp bảo vệ não bộ khỏi các tổn thương do lão hóa và bệnh tật. Điều này có thể giúp cải thiện trí nhớ, tăng khả năng tập trung.

Mặc dù vậy, chúng ta vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu hơn để tìm hiểu cách tỏi giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm sự phát triển các bệnh liên quan đến não bộ.

Lưu ý khi sử dụng tỏi và mật ong

- Không nên ăn tỏi khi đói vì sẽ gây hại cho dạ dày.

- Không nên ăn tỏi khi đang bị tiêu chảy vì có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

- Người có tiền sử mắc các bệnh về gan không nên ăn tỏi vì tỏi có tính nóng, vị cay, làm nóng gan, sử dụng lâu dài có thể gây tổn thương cho gan.

- Nên sử dụng nước ấm dưới 40 độ C khi dùng mật ong. Bởi nếu nhiệt độ quá cao sẽ phá hủy các men hoạt tính và các nguyên tố vi lượng trong mật ong, ảnh hưởng đến các chất dinh dưỡng trong mật ong.

- Không tiêu thụ quá 100ml mật ong mỗi ngày để tránh gây thừa dinh dưỡng.

- Có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng tỏi và mật ong.

Kết

Tỏi và mật ong đã được sử dụng trong y học cổ truyền vì cấc lợi ích sức khỏe mà chúng đem lại. Các nghiên cứu gần đây cũng đã dần chứng minh được những lợi ích sức khỏe của tỏi và mật ong.

Vì vậy, mọi người có thể sử dụng tỏi và mật ong kết hợp với nhau để ướp các món ăn hàng ngày hoặc có thể ngâm tỏi với mật ong và pha cùng với nước ấm để sử dụng.

 

Mây