Trong dịch Covid-19, các sân bay, thành phố, thậm chí cả cửa hàng cũng lắp đặt máy đo thân nhiệt để tìm ra người có thể đang bị bệnh và ngăn virus lây lan. Các máy thường được dùng nhất sử dụng công nghệ hồng ngoại để phát hiện thân nhiệt người mà không cần chạm vào da họ.
Tuy nhiên, "những thiết bị này không chính xác và không đáng tin cậy hoàn toàn", bác sĩ James Lawler, Trung tâm An ninh Y tế Toàn cầu, Đại học Nebraska (Mỹ), nói.
Điều đó có nghĩa là nhiều trường hợp nhiễm coronavirus có thể không bị phát hiện thông qua cách kiểm tra bằng máy đo hồng ngoại.
Theo tiến sĩ Lawler, trong nhiều trường hợp máy đo thân nhiệt ở quá xa hoặc quá gần người cần kiểm tra dẫn đến kết quả thường quá nóng hoặc quá lạnh. Ông kể rằng kết quả của máy đo từng cho thấy ông sắp chết vì hạ thân nhiệt, khi đi qua các máy đo thời chống dịch Ebola ở châu Phi.
"Máy thường cho thấy thân nhiệt tôi ở 35 độ C hoặc thấp hơn", Lawler kể. "Vì thế tôi không chắc là nó đúng hay không".
Ngoài ra, dùng máy đo để kiểm tra nhiệt độ người đang ở các môi trường bụi bặm hay trong ôtô, cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả.
Thông thường, máy đo không thể kiểm tra được tất cả người nhiễm bệnh, kể cả khi nó được sử dụng đúng cách. Các nghiên cứu cho thấy những người nhiễm bệnh có thể ủ bệnh trong 14 ngày mà không có triệu chứng, hoặc một số nghiên cứu đơn lẻ cho thấy thời gian ủ bệnh có thể kéo dài tới 24 ngày.
Mặt khác, một người có thân nhiệt cao khi đo không nhất thiết là bị nhiễm bệnh. "Họ có thể vừa tập thể dục hoặc đang dùng một số loại thuốc cũng làm ảnh hưởng đến kết quả", Jim Seffrin, chuyên gia về thiết bị hồng ngoại tại Viện Infraspection ở New Jersey, Mỹ nói.
Hiện nay Trung Quốc dùng cách đo thân nhiệt người nghi nhiễm mỗi ngày hai lần bằng nhiệt kế y tế.
|
Kiểm tra thân nhiệt khách nhập cảnh từ Trung Quốc.Ảnh:SCMP |
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhìn nhận một số người nhiễm bệnh sẽ vượt qua quy trình kiểm tra thân nhiệt. Tuy nhiên, thiết bị giám sát thân nhiệt có thể giảm nguy cơ lây lan virus corona như bước sàng lọc ban đầu dù hiệu quả chưa cao.
Hầu hết người từ Trung Quốc đều phải kiểm tra, phát hiện thông qua sàng lọc khi vào một quốc gia khác. Mỹ tiến hành kiểm dịch bắt buộc tối đa hai tuần đối với bất kỳ ai đến tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc trong vòng 14 ngày trước đó. Trung Quốc vẫn tiếp tục kiểm tra nhiệt độ hàng ngày vì số ca nhiễm bệnh ngày càng tăng lên. Việt Nam cũng tăng cường lắp đặt máy kiểm tra thân nhiệt tại sân bay quốc tế như Nội Bài, Tân Sơn Nhất và các địa điểm du lịch để kiểm tra và phòng ngừa dịch bệnh.
Ông Gary Strahan, giám đốc một công ty thiết bị đo nhiệt độ hồng ngoại cho biết nhu cầu mua các sản phẩm đo nhiệt độ tăng mạnh trong mùa dịch. Công ty ông phải làm việc từ 4h sáng đến 10h tối để hoàn thành số đơn hàng cho khách. Giá của những thiết bị này cũng tăng gấp 5 lần so với trước. Nhiều công ty khác cũng trong tình trạng tương tự khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp.
Mo Yingchun, Tổng giám đốc công ty máy đo nhiệt độ Alicn Medical ở Thâm Quyến (Trung Quốc) cho biết máy đo hồng ngoại không phải lúc nào cũng đáng tin cậy. Các thiết bị của công ty ông thường được sử dụng để kiểm tra nhiệt độ trong phòng của trẻ sơ sinh.
"Máy đo nhiệt độ hồng ngoại chỉ được sử dụng để sàng lọc nhanh và không chính xác như máy đo nhiệt độ truyền thống. Nếu dịch không bùng phát, nó sẽ không được chú ý", Mo Yingchun nói.
Tính đến ngày 16/2, thế giới có 69.198 trường hợp bệnh Covid-19, 1.669 người chết vì dịch, gồm 4 người tử vong ngoài Trung Quốc đại lục ở Nhật, Hong Kong, Pháp, Philippines. 11.292 người trong tình trạng nguy kịch, 9.538 người được chữa khỏi. Riêng Trung Quốc có 11.272 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.
Theo vnexpress