Máy trợ thính phổ thông vẫn còn nhiều khiếm khuyết gây cản trở cho người khiếm thính hòa nhập vào xã hội - Ảnh: Alamy Stock Photo
Bằng cách theo dõi hoạt động của não bộ, máy trợ thính khuếch đại âm thanh người nghe tùy thuộc vào vật thể họ tập trung. Điều này đặc biệt hữu dụng khi người nghe tham dự các sự kiện giao lưu đông người với nhiều tạp âm.
Theo đó, khi người dùng nói chuyện, âm lượng của người nói sẽ được tăng lên nếu người nghe chú ý vào họ.
Trong khi đó máy trợ thính phổ thông khuếch đại tất cả âm thanh xung quanh người nghe không chọn lọc, bất kể là tạp âm hay giọng người nói, khiến người dùng gặp không ít khó khăn trong việc tập trung vào lời nói của đối phương, dẫn đến ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và hòa nhập với xã hội.
"Phần não bộ xử lý âm thanh rất nhạy cảm và khỏe. Nó có thể tăng âm lượng giọng nói một cách dễ dàng, trong khi máy trợ thính ngày nay vẫn bất lực với việc này", Nima Mesgarani - trưởng nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Columbia ở New York, khẳng định với The Guardian.
Vấn đề tạp âm của máy trợ thính từ lâu được các nhà khoa học chú ý. Tuy nhiên không một nhóm nghiên cứu nào tìm được giải pháp cho đến khi nhóm của trường Đại học Columbia kết hợp trí thông minh nhân tạo (AI) và thiết bị cảm biến đo hoạt động não bộ của người nghe.
Trước tiên, thiết bị có thuật toán để tách riêng giọng nói của từng người, sau đó so sánh những giọng nói này với hoạt động của não bộ người nghe để biết người nào đang được chú ý. Theo đó, giọng nói của người được chú ý sẽ được khuếch đại lên.
Tuy nhiên, để sử dụng thiết bị này, bệnh nhân vẫn phải trải qua một ca phẫu thuật cấy ghép thiết bị theo dõi hoạt động não bộ. Chính vì thế mà nó chưa thể trở thành một thiết bị hỗ trợ phổ thông.
Nhóm nghiên cứu tin rằng trong 5 năm tới sẽ phát minh được một thiết bị trợ thính với khả năng tương tự nhưng không yêu cầu phẫu thuật. Họ gợi ý việc phát triển thiết bị đo hoạt động của não bộ đặt trong tai hoặc đặt dưới lớp da đầu.
Theo tuoitre