1. Dinh dưỡng kém ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi như thế nào?

Tình trạng viêm là phản ứng tự nhiên đối với những tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể, viêm mạn tính có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe đối với người bình thường. Còn đối với phụ nữ mang thai, tình trạng viêm nhiễm trong thai kỳ ảnh hưởng đến em bé như thế nào sau khi sinh?

Đây là điều mà nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí của Học viện Tâm thần Trẻ em & Vị thành niên Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu đã xác định các yếu tố nguy cơ viêm nhiễm ở người mẹ có thể liên quan đến rối loạn điều hòa ở trẻ em.

Chương trình ECHO bắt đầu nghiên cứu nhóm đối tượng này, xem xét các yếu tố chu sinh được biết là có liên quan đến tình trạng viêm ở mẹ và trẻ sơ sinh. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện điều này bằng cách xem xét 18 nhóm đối tượng khác, có cả dữ liệu danh sách kiểm tra hành vi trẻ em (CBCL) 6-18 tuổi và thông tin về phơi nhiễm chu sinh bao gồm cả nhiễm trùng trước khi sinh của mẹ.

Sau đó, họ kiểm tra hồ sơ rối loạn CBCL của từng trẻ, bao gồm dữ liệu về các dấu hiệu chú ý, lo lắng, trầm cảm và hung hăng. Kết quả cho thấy khoảng 13,4% trong số 4.595 trẻ em trong nhóm đang phải đối mặt với các vấn đề về hành vi và cảm xúc có thể liên quan đến tình trạng viêm của mẹ. Các bé trai bị ảnh hưởng nhiều hơn các bé gái.

Ngoài ra, 35% thanh thiếu niên mắc CBCL có mẹ bị nhiễm trùng trước khi sinh, trong khi chỉ có 28 % trẻ em không mắc CBCL có mẹ bị nhiễm trùng trước khi sinh.

Các tác giả nghiên cứu kết luận rằng, tình trạng viêm trong thai kỳ có thể dẫn đến các vấn đề về hành vi và cảm xúc ở trẻ em. Thông tin này nhấn mạnh tầm quan trọng của sức khỏe của người mẹ đối với đứa con. Phụ nữ mang thai có thể kiểm soát tình trạng viêm bằng cách thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và bổ sung đầy đủ vitamin.

Mẹ bầu cần biết 'chìa khóa' giúp thai kỳ khỏe mạnh- Ảnh 1.

Dinh dưỡng tốt có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe phụ nữ mang thai.

Trước đó, một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên Tạp chí Sản phụ khoa Hoa Kỳ cũng đã điều tra mối liên hệ giữa tình trạng suy dinh dưỡng ở bà mẹ và kết quả tiêu cực, dài hạn ở trẻ em. Cụ thể, nghiên cứu tập trung vào giả thuyết rằng chế độ ăn uống chất lượng trong thai kỳ có liên quan đến nguy cơ thai nhi chậm phát triển thấp hơn.

Nghiên cứu xem xét tình trạng của 762 bà mẹ mang thai trong ba tháng cuối của thai kỳ, những trẻ sơ sinh nhỏ hơn so với những trẻ sơ sinh khác tại thời điểm sinh ra được cho là đã gặp phải những hạn chế về sự phát triển của thai nhi.

Ngoài việc xem xét kích thước thai nhi, nghiên cứu còn điều tra các kết quả phụ trong thai kỳ, bao gồm rối loạn tăng huyết áp, bệnh béo phì so với tuổi thai và bệnh đái tháo đường thai kỳ.

Chỉ số ăn uống lành mạnh (HEI), một công cụ do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ phát triển, được sử dụng để đánh giá chất lượng chế độ ăn của bà mẹ mang thai. HEI dựa trên 13 thành phần dinh dưỡng và chấm điểm từ 1 - 100. Điểm HEI cao tương đương với chế độ ăn lành mạnh hơn, trong khi điểm HEI thấp tương đương với chế độ ăn kém lành mạnh hơn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy:

17% bà mẹ mang thai có điểm HEI cao, 83% có điểm HEI thấp hơn. Điểm trung bình là 60/100.

Bệnh nhân có điểm HEI cao ít có nguy cơ gặp phải tình trạng chậm phát triển ở thai nhi hơn 67%.

Những người có điểm HEI cao cũng ít có khả năng bị tăng huyết áp trong thai kỳ hơn 54% so với những người có điểm HEI thấp hơn.

2. Cách thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh để có một thai kỳ khỏe mạnh

Các nghiên cứu trên nhấn mạnh vai trò của chế độ ăn uống lành mạnh (có tác dụng chống viêm) sẽ giúp các bà mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, điểm HEI là một công cụ hữu ích để xác định mức ăn uống lành mạnh. Có thể coi điểm HEI cao là chế độ ăn uống chống viêm, ví dụ như chế độ ăn Địa Trung Hải.

Chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, giàu dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai bao gồm các nguồn protein chất lượng cao, chất béo lành mạnh, carbohydrate phức hợp, vitamin và khoáng chất.

Mẹ bầu cần biết 'chìa khóa' giúp thai kỳ khỏe mạnh- Ảnh 3.

Một số thực phẩm lành mạnh tốt cho phụ nữ mang thai.

Việc ăn nhiều các nhóm thực phẩm dưới đây có liên quan đến điểm HEI cao hơn và kết quả mang thai khỏe mạnh hơn:

  • Rau xanh.
  • Trái cây nguyên quả.
  • Đậu/cây họ đậu.
  • Các loại ngũ cốc.
  • Chất béo lành mạnh từ các nguồn như các loại hạt, bơ, dầu ô liu, cá, trứng.
  • Bổ sung thực phẩm giàu men vi sinh, sữa chua.
  • Giữ đủ nước cho cơ thể.

Lưu ý, chế độ ăn quá nhiều đường bổ sung, đồ uống có đường, chất béo chuyển hóa và ngũ cốc tinh chế có liên quan đến điểm HEI thấp hơn, do đó nên tránh.

Phụ nữ mang thai nên tránh ăn thịt nguội, hải sản sống hoặc hun khói, thịt tái, cá có hàm lượng thủy ngân cao, trứng sống, caffeine, rượu...

Theo suckhoedoisong.vn