Bà mẹ họ Feng đến từ thành phố Thiết Lĩnh, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc gây ra nhiều ý kiến trái chiều ở nước này vì quyết định đưa con gái 18 tuổi đi phẫu thuật thẩm mỹ, theo SCMP.
Lý do đằng sau là người con gái nhút nhát và nghiện trò chơi điện tử, ít khi ra khỏi nhà. Theo bà mẹ, việc đi can thiệp dao kéo sẽ giúp cô gái trở nên tự tin hơn.
"Khi con bé học cấp 2, nó bắt đầu vùi đầu vào các trò game online. Cả tôi và chồng tự hỏi liệu có phải nguyên nhân nằm ở chỗ con bé không ưa nhìn và thấy tự ti hay không", người mẹ giải thích trong một video được cổng thông tin truyền thông địa phương White Deer Video tải lên mạng xã hội Weibo.
Theo chia sẻ người mẹ, con gái mình mắc chứng nghiện game, do đó ít giao tiếp với xã hội bên ngoài. Ảnh minh họa: SCMP.
Để khuyến khích con gái dạn dĩ, giao tiếp nhiều hơn trong thế giới thực và hạn chế chơi game quá mức, Feng đề nghị chi tiền cho con phẫu thuật thẩm mỹ. Cô gái vừa thi xong đại học đồng ý với gợi ý của mẹ.
Gia đình sau đó tìm đến một bác sĩ phẫu thuật ở địa phương và vạch ra một kế hoạch điều trị, trong đó cô gái sẽ sửa lại hình dạng của chiếc mũi và phần cằm.
Đoạn video phát sóng chứa hình ảnh người con gái khi vừa phẫu thuật xong, với mũi và cằm được quấn quanh bằng băng gạc. Sau vài ngày nằm viện, cô được trở về nhà. Một phân cảnh khác cho thấy cô gái được đón từ bệnh viện bằng một chiếc xe Porsche.
Người mẹ họ Feng tỏ rõ sự vui mừng với kết quả. "Họ hàng và bạn bè đến chơi nhà đều khen ngợi gương mặt con bé xinh xắn hơn trước", cô nói.
Tuy nhiên, “món quà” của người mẹ gây ra hai luồng phản ứng đối lập nhau, sau khi câu chuyện được chia sẻ rộng rãi. Một bên, cộng đồng mạng ca ngợi gia đình có thái độ cởi mở và chủ động tìm cách tách con gái ra khỏi việc nghiện chơi game online.
"Tôi cảm thấy ghen tị với người con gái. Cải thiện ngoại hình một chút có thể khiến ai đó trở nên tự tin và nổi bật hơn đáng kể", trích một bình luận.
Bên còn lại, những người khác cho rằng một "giải pháp" như vậy dễ gây ra tác động ngược, cụ thể là làm trầm trọng thêm những lo lắng, ám ảnh liên quan đến ngoại hình.
“Không phải cô gái thiếu tự tin mà là cha mẹ của cô ấy”, một người dùng nhận xét.
Nữ sinh 18 tuổi được gia đình dẫn đi sửa mũi và cằm. Ảnh: Weibo.
Theo những người phản đối, các phụ huynh khác không nên bắt chước theo cách làm của gia đình này.
Theo dữ liệu từ iResearch Inc, thị trường thẩm mỹ y tế của Trung Quốc đang phát triển theo cấp số nhân.
Quy mô của thị trường trị giá 217,9 tỷ nhân dân tệ (30 tỷ USD) vào năm 2021, được dự đoán sẽ tăng gấp đôi, lên gần 410,8 tỷ nhân dân tệ vào năm 2025.
Theo dữ liệu của công ty từ GengMei, một ứng dụng có tiếng của Trung Quốc chuyên về cung cấp các dịch vụ làm đẹp, hơn một nửa số khách hàng đặt hàng trên các kênh phẫu thuật thẩm mỹ trực tuyến ở độ tuổi 20.
Trên mạng xã hội, nhiều người nổi tiếng ở nước này cũng thường nói về việc chỉnh hình đã thay đổi cuộc sống của họ như thế nào.
Ví dụ, Zhou Chuna, một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội với thế hệ Gen Z đến từ Thượng Hải, đã trải qua hơn 100 ca phẫu thuật thẩm mỹ từ năm 2017 đến năm 2021, theo China Youth Daily.
Vào tháng 3/ 2020, Chuna chia sẻ công khai “nhật ký dao kéo” của mình và nhanh chóng thu hút được hơn 300.000 người theo dõi.
Việc can thiệp thẩm mỹ quá nhiều cũng khiến Chuna có những vấn đề sức khỏe, như trí nhớ kém đi, hay nhớ nhớ quên quên, trên cơ thể cô cũng còn nhiều vết sẹo để lại sau các lần can thiệp thẩm mỹ.
Theo Zingnews