Các chuyên gia của Trung tâm ung thư PCC, Singapore, chỉ ra duy trì cân nặng lý tưởng trong giới hạn BMI bình thường là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo sức khỏe, đặc biệt với bệnh nhân ung thư sau điều trị. Ăn uống khoa học không có nghĩa phải kiêng khem quá mức mà cần lưu ý một số nguyên tắc sau:

Không ăn theo sở thích mà hãy chọn thực phẩm lành mạnh

Việc ăn uống của bạn nên phù hợp với bản thân, nhu cầu cơ thể và lối sống. Đừng chỉ ăn theo sở thích. Chế độ ăn lý tưởng là cân bằng dinh dưỡng gồm nhiều loại thực phẩm khác nhau như bánh mì, gạo, mì, ngũ cốc, trái cây, rau, thịt nạc, cá, gia cầm và sữa. Hạn chế tiêu thụ bơ, kể cả bơ thực vật và các loại dầu.

Mức giảm cân lý tưởng được khuyến cáo là từ 500 g đến một kg mỗi tuần. Để giảm cân thành công cần giữ tinh thần tốt và kiên nhẫn với bản thân, đừng nóng vội mà hãy giảm từ từ.


Xác định nguyên nhân tăng cân

Hãy đặt ra mục tiêu hợp lý cho kế hoạch giảm cân của bạn. Nên suy xét xem đâu là nguyên nhân khiến bạn ăn nhiều (có thể do căng thẳng hoặc buồn chán) để tìm cách khắc phục. Trên thực tế rất khó để thay đổi lối sống của một người, do vậy bạn không nên nóng vội mà hãy tập luyện dần dần.

Tránh sử dụng đường

Đường chứa rất ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng mà lại gây tăng cân nhanh. Do đó hãy bắt đầu bằng việc không dùng các loại thực phẩm chất tạo ngọt tự nhiên như sữa đặc có đường và các sản phẩm sữa có đường. Nếu bạn yêu thích bất kỳ loại thực phẩm nào, hãy cố gắng chọn món chứa ít đường hơn. Chẳng hạn nếu bạn thích chocolate, hãy chọn chocolate đen và trái cây tươi thay vì chocolate trắng.

Để ý đồ uống

Nước rất cần thiết cho cơ thể khỏe mạnh, nên uống ít nhất từ 6 đến 8 cốc mỗi ngày. Nếu bạn thích đồ uống có hương vị, hãy chọn trà hay cà phê, thêm chút đường hoặc kem. Tránh đồ có ga và các loại nước ép trái cây ngọt vì chúng chứa nhiều đường và calo dễ gây tăng cân. Bạn nên chọn rượu vang trắng hoặc rượu mạnh thay vì nước ngọt có cồn. Thức uống giảm cân cũng dùng được, song nên uống vừa phải, tránh lạm dụng.

Tiêu thụ lượng tinh bột vừa phải, thêm nhiều chất xơ hơn

Chất xơ thực phẩm là một phần thiết yếu cho bữa ăn của bạn vì giúp no lâu hơn. Hạn chế ăn thực phẩm giàu carbonhydrate vì dễ gây mệt mỏi và cáu gắt, không giúp giảm cân lâu dài. Nếu thích ăn tinh bột, bạn hãy chọn các loại carbonhydrate giàu chất xơ. Ví dụ như ngũ cốc nguyên hạt, mì nâu, bánh mì và pasta ngũ cốc, gạo lứt, mì gạo, yến mạch, đậu, đậu Hà Lan, đậu lăng. Mỗi ngày nên dùng thêm ít nhất 2 phần quả tươi còn vỏ (nếu có thể) và nhiều rau xanh (nấu với ít dầu hoặc tốt nhất là để nguyên, làm tái hoặc hấp).

Giảm tiêu thụ chất béo, chọn đúng loại chất béo lành mạnh

Bệnh nhân ung thư nên giảm khẩu phần ăn và tránh đồ chiên xào bất cứ khi nào có thể. Tuy nhiên, chất béo vẫn cần thiết cho cơ thể, nên cần tiêu thụ với lượng vừa phải đồng thời chú ý lựa chọn chất béo lành mạnh hơn, tránh các loại chế biến sẵn. Thay vào đó hãy dùng bơ nguyên béo với lượng ít, sử dụng ít dầu khi chế biến cũng như sốt salad, nước sốt thịt, sốt phết bánh. “Đọc nhãn thực phẩm cẩn thận, đặc biệt khi bạn đang tìm kiếm các sản phẩm ít chất béo. Thói quen này sẽ giúp bạn cắt giảm đáng kể lượng chất béo đi vào cơ thể”, chuyên gia dinh dưỡng cấp cao Fahma Sunarja khuyên.

Tập luyện hàng ngày

Tập luyện vừa giúp vóc dáng cân đối vừa giải tỏa tinh thần và giảm căng thẳng. Đi bộ là cách tuyệt vời để làm tăng hoạt động hàng ngày và đốt cháy calo từ thực phẩm mà bạn đã tiêu thụ. Hãy bắt đầu đi bộ từ 20 đến 30 phút mỗi ngày, ít nhất 3 lần một tuần. Khi đã quen dần, bạn có thể tăng thời lượng đi bộ lên một giờ hoặc hoạt động mạnh hơn trong 30 phút.

Chuyên gia Fahma Sunarja khuyên mọi người, đặc biệt là bệnh nhân ung thư nên hạn chế ngồi nhiều, bỏ thói quen ít vận động. Nên tăng cường đi cầu thang bộ thay vì thang máy. Nếu không thích đi bộ, bệnh nhân ung thư có thể tập luyện một môn thể thao mình yêu thích, song tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu tập luyện chuyên sâu.

Theo VnExpress