1. Hậu COVID-19, trẻ thường có triệu chứng hô hấp

Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sau nhiễm COVID-19 ở trẻ em của Bộ Y tế, đa số trẻ nhiễm COVID-19 sẽ không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Phần lớn trẻ em sau nhiễm COVID-19 có triệu chứng nhẹ, điều trị ngoại trú và các triệu chứng sẽ khỏi sau 2-8 tuần. Tuy nhiên sau khi khỏi bệnh vẫn có một số trẻ có hội chứng hậu COVID-19 cấp tính.

Hội chứng sau nhiễm COVID-19 cấp tính khi các triệu chứng xuất hiện sau ≥ 04 tuần khi trẻ đã khỏi bệnh và không giải thích được bởi bất kỳ chẩn đoán nào khác. Trong đó, triệu chứng hô hấp như ho, khó thở là thường gặp nhất.

Theo TS.BS. Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Phổi tỉnh Thừa Thiên Huế, ho là một triệu chứng bệnh COVID-19 gặp khá phổ biến, có thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng ngay cả khi xét nghiệm virus đã âm tính.

Trong khi cơ thể đang trên đà phục hồi sau mắc COVID-19, người bệnh có thể vẫn bị ho khan dai dẳng hoặc ho có đờm.

Một số nghiên cứu cho rằng, ho dai dẳng sau COVID-19 là do nhiều nguyên nhân: Do tác động của virus SARS-CoV-2 lên dây thần kinh phế vị - dây thần kinh chịu trách nhiệm điều khiển phản xạ ho. Ho và đau rát họng, khàn giọng là do virus SARS-CoV-2 gây tổn thương trực tiếp thanh quản và niêm mạc họng, nhất là biến thể Omicron.

Một nghiên cứu khác cho rằng ho sau COVID, chính là cách cơ thể đang cố gắng loại bỏ, dọn sạch các chất bài tiết dư thừa trong giai đoạn hồi phục.

Cách chăm sóc và dinh dưỡng cho trẻ bị ho sau nhiễm COVID-19 - Ảnh 2.

Sau mắc COVID-19, người bệnh có thể vẫn bị ho khan dai dẳng hoặc ho có đờm.

2. Cách chăm sóc khi trẻ bị ho

Hội chứng hậu COVID-19 ở trẻ em đa phần liên quan đến đường hô hấp, như ho nhiều, ho kéo dài, hụt hơi, khó thở... PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thuý, Bộ môn Nhi – Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ, trong lần khám hậu COVID-19 gần đây cho gần 20 trường hợp, PGS. Diệu Thuý nhận thấy, hậu COVID-19 có ảnh hưởng chức năng hô hấp của trẻ em.

Theo các chuyên gia hô hấp, ho là một phản xạ tự nhiên bảo vệ cơ thể, giúp cơ thể đào thải chất nhầy, chất bẩn, tác nhân lạ như virus, vi khuẩn… xâm nhập vào vùng cổ họng gây viêm nhiễm đường hô hấp nên khi trẻ bị ho, cha mẹ không nên quá lo lắng mà cần theo dõi và chăm sóc như sau:

- Cho trẻ uống nhiều nước ấm sẽ giúp đờm loãng ra, trẻ dễ chịu hơn, có thể giúp giảm ho. Ngoài nước lọc ấm có thể cho trẻ uống các loại nước khác như: Nước táo, nước chanh ấm cũng có hiệu quả.

Mật ong cũng có tác dụng làm giảm ho, có thể pha với nước ấm hay nước trái cây (tùy vào sở thích của trẻ). Mỗi lần 2.5 - 5ml, uống ngày 2 lần vào buổi sáng và tối. Không cho trẻ dưới 1 tuổi uống mật ong.

- Cần chú ý vệ sinh mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng nước muối sinh lý để thông thoáng đường thở, giảm các triệu chứng ho, khò khè, nghẹt mũi…

- Tắm rửa thường xuyên cho trẻ bằng nước ấm để làm sạch mồ hôi, giúp trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu, ngủ ngon và nhanh khỏi bệnh hơn.

- Vệ sinh nhà cửa, phòng ngủ của trẻ sạch sẽ, thông thoáng. Không hút thuốc lá, đun nấu trong phòng có trẻ nhỏ. Khói thuốc lá, bụi bặm, virus, vi khuẩn… bám trên các vật dụng hàng ngày có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị ho và ho lâu khỏi.

- Không tự ý dùng thuốc giảm ho cho trẻ khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ. Trong trường hợp trẻ có biểu hiện ho kéo dài, ho ngày càng tăng, mệt mỏi, nôn trớ, ho có đờm nhiều, khó thở… cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị đúng cách.

Cách chăm sóc và dinh dưỡng cho trẻ bị ho sau nhiễm COVID-19 - Ảnh 4.

Nên cho trẻ uống nhiều nước ấm khi bị ho.

3. Chế độ ăn uống cho trẻ bị ho hậu COVID-19

Đối với trẻ bị ảnh hưởng sức khỏe sau nhiễm COVID-19 thường rất khó chịu, mệt mỏi. Trẻ bị ho dễ nôn trớ, quấy khóc, ăn kém. Trẻ ăn ít dễ bị thiếu chất, suy dinh dưỡng làm cho khả năng hồi phục kém hơn.

Theo ThS. Vương Thị Thủy, Giảng viên Bộ môn Tâm thần, Trường Đại học Y dược Hải Phòng, hội chứng hậu COVID-19 có thể diễn ra từ vài tuần đến vài tháng khiến trẻ mệt mỏi, khó chịu, ăn uống không ngon miệng.

Về chế độ dinh dưỡng, cơ bản trẻ vẫn cần duy trì ăn uống sinh hoạt bình thường. Đó là phải đầy đủ dưỡng chất, các nhóm thực phẩm, rau xanh, trái cây. Uống đủ nước các loại.

Ngoài ra, theo ThS. Vương Thị Thủy, phổi thường là cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất sau COVID-19, trẻ có thể bị suy giảm chức năng hô hấp dai dẳng. Cha mẹ hướng dẫn con các bài tập hít thở tại nhà. Trẻ thường hay bị ho kéo dài nên các bậc cha mẹ nên chú trọng bữa ăn với các thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt như cháo, súp, các loại ngũ cốc, củ quả hầm.

Cách chăm sóc và dinh dưỡng cho trẻ bị ho sau nhiễm COVID-19 - Ảnh 5.

Nên cho trẻ bị ho ăn thức ăn lỏng, mềm, giàu dinh dưỡng.

4. Mẹo cho trẻ bị ho ăn hết suất mà không bị nôn trớ

Trẻ bị ho thường khó chịu, cổ họng có nhiều đờm nhớt nên rất dễ nôn trớ. Vì vậy, cha mẹ nên chú ý áp dụng một số cách sau giúp hạn chế nôn trớ, đảm bảo cung cấp đủ lượng và chất dinh dưỡng cho trẻ.

  • Không nên ép trẻ ăn nhiều trong một bữa. Nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa trong ngày. Trẻ ăn ít một sẽ dễ ăn, hạn chế nôn trớ và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
  • Đối với trẻ còn bú nên cho trẻ bú theo nhu cầu, bú làm nhiều lần khi trẻ thấy dễ chịu.
  • Cho trẻ ăn những món hợp khẩu vị mà trẻ thích, thức ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa.
  • Nếu trẻ còn ho, đau họng nên cho trẻ ăn các món ăn loãng, mềm như cháo thịt băm, cháo gà, súp gà…
  • Không nên cho trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ ăn nhiều muối, các loại nước uống công nghiệp, thức ăn lạnh… dễ gây kích thích họng, tăng phản ứng ho, tăng đờm nhớt, dễ nôn trớ.

Theo suckhoedoisong.vn