leftcenterrightdel
Nếu bạn bị tiểu đường nhưng lại là tín đồ của gạo thì vẫn có phương pháp để tiêu thụ thực phẩm này một cách lành mạnh. Đồ họa: Hàn Lâm 

Hiểu về bơ ghee

Bà Sweedal Trinidade - Trưởng khoa dinh dưỡng tại Bệnh viện PD Hinduja & MRC (ở Mumbai, Ấn Độ) cho biết: "Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc thêm bơ ghee vào gạo có thể cải thiện chỉ số đường huyết của bữa ăn".

Theo đó, bơ ghee là loại bơ được sản xuất khác biệt với các loại bơ khác ở bước thanh lọc và được loại bỏ bớt nước và cặn sữa. Vì là loại bơ tinh chế nên loại bơ này có nhiều chất béo hơn bơ bình thường.

Bơ ghee ban đầu được sử dụng trong các nền văn hóa Ấn Độ và Pakistan. Họ tạo ra bơ ghee để sử dụng và thích hợp bảo quản trong thời tiết nắng nóng đặc biệt ở những vùng đất này.

Theo bà Sweedal Trinidade, bơ ghee chứa axit béo làm chậm quá trình tiêu hóa carbohydrate, làm giảm sự tăng đột biến của lượng đường trong máu. Việc thêm bơ ghee vào gạo có thể làm giảm chỉ số đường huyết của gạo, khiến gạo trở thành nguồn năng lượng ổn định hơn.

Trong khi đó, bà G Sushma - chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng thuộc Bệnh viện CARE, Banjara Hills, Hyderabad (Ấn Độ) chia sẻ: Bơ ghee giàu vitamin tan trong chất béo (A, D, E và K), có thể tăng cường hấp thụ chất dinh dưỡng từ các thực phẩm khác ăn cùng với gạo.

Bà G Sushma nói thêm rằng, bơ ghee cũng chứa butyrate, một loại axit béo chuỗi ngắn có lợi cho sức khỏe đường ruột. Một đường ruột khỏe mạnh có thể cải thiện sức khỏe trao đổi chất tổng thể, gián tiếp có lợi cho việc kiểm soát lượng đường trong máu.

Những ai nên tránh bơ ghee?

Bà G Sushma cho biết, dù có nhiều mặt lợi ích nhưng bơ ghee có thể không phù hợp với tất cả mọi người. Bởi, bơ ghee có hàm lượng chất béo bão hòa cao, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị cholesterol cao của mọi người hoặc các vấn đề về sức khỏe tim mạch.

Cùng quan điểm trên, bà Sweedal Trinidade giải thích: "Thêm bơ ghee vào gạo sẽ làm tăng lượng calo nạp vào, có khả năng cản trở việc kiểm soát cân nặng và phá vỡ chế độ hạn chế calo của bạn".

Còn bà G Sushma lưu ý rằng, những người mắc bệnh tim mạch nên cẩn thận vì lượng chất béo bão hòa cao có thể gây hại cho sức khỏe của họ. Những người bị dị ứng với sữa cũng cần cẩn thận vì bơ ghee, mặc dù đã được sàng lọc qua chế biến, nhưng bản chất nó vẫn là một sản phẩm từ sữa.

“Lượng bơ ghee lý tưởng để thêm vào cơm là khác nhau, nhưng hướng dẫn chung được y khoa khuyến cáo là thêm 1 thìa cà phê bơ ghee cho mỗi khẩu phần cơm”, bà G Sushma nói.

Các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, điều quan trọng cần lưu ý là bơ ghee không thể thay thế cho chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên.

Do đó, bạn hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể về cách kiểm soát bệnh tiểu đường và cách kết hợp bơ ghee vào chế độ ăn uống của bạn để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Theo laodong